Bị phạt tổng cộng 94 triệu đồng
Theo quyết định xử phạt hành chính của Thanh tra Sở Y tế TP HCM, Công ty TNHH Thẩm mỹ Kumho Asia Medical (phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ), địa chỉ 402 An Dương Vương (phường 4, quận 5, TP HCM), có 2 lỗi vi phạm.
Đó là ghi tên các khoa, phòng trong cơ sở khám, chữa bệnh không đúng với hồ sơ giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp; quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ, hàng hoá đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Thẩm mỹ Kumho Asia Medical bị phạt 49 triệu đồng, phải tháo gỡ, xóa quảng cáo “chui”.
Hình ảnh quảng cáo của Viện Kumho Asia trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình. |
Tương tự, Công ty TNHH Y tế La Ratio (địa chỉ 182 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM) bị cơ quan chức năng xử phạt do có sai phạm tại địa điểm kinh doanh Viện Thẩm mỹ Ratio.
Cơ sở này đã quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung, bị phạt 45 triệu đồng; buộc phải tháo gỡ, xóa quảng cáo “chui”.
Dù bị xử phạt, đến ngày 11/10, website Laratio.vn vẫn quảng cáo Viện thẩm mỹ La Ratio "Có đội ngũ bác sĩ thẩm mỹ hàng đầu" hay "Viện thẩm mỹ La Ratio xây dựng đội ngũ bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực thẩm mỹ và da liễu, được đào tạo chuyên sâu tại các trường danh tiếng trong và ngoài nước...". Thế nhưng, mục “đội ngũ bác sĩ” trên website chỉ có thông tin giới thiệu bác sĩ duy nhất là ông Võ Thành Trung - Chuyên khoa thẩm mỹ.
Website quảng cáo Viện Thẩm mỹ Ratio. Ảnh chụp màn hình. |
Bất chấp quảng cáo “chui” vì lợi nhuận lớn?
Luật sư Mai Quốc Việt, Công ty Luật TNHH MMT & Partners (Đà Nẵng), nhận định, việc quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo (khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012).
Hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng (khoản 5, Điều 34, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo). Cơ sở quảng cáo có hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xoá quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo; buộc cải chính thông tin.
Người có hành vi quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ còn có thể bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian đối theo quy định tại Điều 197 Bộ Luật hình sự 2015: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.
Khung pháp lý, chế tài xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối với các hành vi quảng cáo sai quy định đã được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng chế tài để xử phạt hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo của tổ chức, cá nhân còn khá nhẹ, chủ yếu xử phạt hành chính.
Trong khi đó, mục đích quảng cáo sai sự thật nhằm đánh bóng sản phẩm, dịch vụ để lôi kéo khách hàng, người sử dụng dịch vụ và lợi nhuận của các ngành làm đẹp có biên độ lợi nhuận lớn.
“Do đó, nhan nhản vi phạm liên quan quảng cáo vì người vi phạm chấp nhận bị xử phạt để kiếm lợi nhuận cao. Vậy nên, cần thiết phải áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm hơn nữa đối với tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhằm tăng sức răn đe”, luật sư Việt nhấn mạnh.