Dữ liệu y khoa

Viêm xoang mùa lạnh

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Ở miền Bắc không khí lạnh đang tràn về là điều kiện để viêm xoang phát triển. Viêm xoang thường bắt nguồn từ viêm mũi, cảm cúm, cảm lạnh, viêm phổi... Các vi sinh vật gây viêm xoang thường là những vi sinh vật gây viêm nhiễm đường hô hấp trên.

Phân biệt viêm xoang và viêm mũi dị ứng

PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai mũi họng T.Ư cho biết, khi bị viêm xoang, người bệnh thường đau nhức vùng má (viêm xoang hàm), nhức giữa hai lông mày (viêm xoang trán), nhức giữa hai mắt (viêm xoang sàng trước), nhức trong sâu hay ở vùng gáy (viêm xoang sàng, sau xoang bướm).  Khi bị viêm xoang thường chảy dịch mũi, dịch chảy tràn xuống họng gây viêm họng.  Người bệnh thường nghẹt mũi, tắc mũi, cổ họng vướng đờm, luôn muốn khạc nhổ. Khi viêm nặng thường không ngửi thấy mùi, mũi phù nền nên khứu giác kém nhạy. Viêm xoang và viêm mũi dị ứng rất khác nhau. Viêm mũi dị ứng thường gây ra các triệu chứng: Ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng dài vào buổi sáng hoặc khoảng tối, có chảy dịch mũi trong suốt, không màu và nghẹt mũi. Viêm xoang có hắt hơi nhưng không nhiều, chủ yếu mũi chảy dịch, đau, nhức đầu.

Khi bị viêm xoang, dịch nhầy tiết từ mũi ra rất nhiều, chảy xuống họng gây viêm họng. Người bệnh vướng ở họng, kích thích ho, đau rát cổ. Đối với viêm xoang cấp, người bệnh thường bị ngạt và tắc cả hai bên mũi nên phải thở bằng mồm. Với thời tiết mùa đông lạnh, việc đưa không khí từ ngoài vào không được mũi sưởi ấm, làm ẩm và làm sạch tất yếu dẫn đến viêm họng. Ở những người viêm xoang sau hoặc viêm đa xoang thì mũi thường chảy trực tiếp xuống họng với lượng lớn, liên tục làm viêm lan nhanh xuống họng. Đối với trẻ em không biết tự xì mũi, bố mẹ cũng không chịu khó hút mũi khiến viêm xoang biến chứng nhanh và thường phải chữa song song nhiều bệnh.

Chữa ngay khi mới mắc

Viêm xoang cũng như viêm mũi dị ứng khi mới mắc có thể chữa đơn giản bằng cách rửa sạch mũi hàng ngày bằng cách dùng xilanh (bỏ phần kim tiêm, tốt nhất là xilanh 5ml) bơm nước muối ấm vào rửa ngày 3 lần hoặc có thể nhiều hơn. Mỗi lần xịt nước muối ấm vào từng bên, bịt mũi và xì từng bên để nước không lên tai. Sau khi mũi sạch dùng lá cây cứt lợn (ngũ sắc) giã lấy nước, nhỏ vào mũi. Một cách làm khác là giã tỏi nhỏ vào mũi, tuy nhiên nước tỏi phải pha loãng nếu không sẽ rát mũi, có khi khiến viêm nặng hơn.

Viêm xoang cấp chuyển sang viêm xoang mạn rất nhanh nếu không tích cực chữa. Lương y Thu Hằng, Phùng Khoang, HN cho biết, các loại thuốc Tây y hiện nay đều không chữa được dứt điểm viêm xoang. Vì vậy, vào mùa lạnh cần giữ ấm đường hô hấp, nên dùng khẩu trang hoạt tính khi đi ra ngoài đường có tác dụng giữ ấm cho mũi, hạn chế sự xâm nhập của bụi bẩn, vi khuẩn gây hại.

Nên vệ sinh răng miệng hàng ngày, súc miệng bằng nước muối sinh lý để tiêu diệt vi khuẩn răng miệng, giữ cho họng và miệng sạch khuẩn nhằm hạn chế việc mắc bệnh viêm xoang. Khi đi ra đường nên giữ ấm vùng cổ, ngực và mũi. Làm ấm vùng mũi mỗi khi thức dậy vào buổi sáng bằng cách dùng hai bàn tay chụp lại hai bên vùng cánh mũi và miệng, tay xoa cho nóng phần này, tập thở ra hít vào, thực hiện như vậy trong khoảng vài phút.

Về dinh dưỡng, người bệnh nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như kẽm, vitamin A,C, omega3 để tăng cường sức đề kháng, khả năng chống chọi với vi khuẩn gây bệnh. Đối với người đã có sẵn bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang nên uống trà gừng vào buổi sáng và tối. Nếu có thể nên xông các loại tinh dầu của hoa cỏ hôi, lá húng, bạc hà, lá hương nhu, lá chanh. Có thể xông đơn giản bằng cách vò rồi đưa lên mũi để hít.

Hồng Loan

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP