Y học và đời sống

Viêm vùng chậu gặp nhiều biến chứng chị em nên lưu tâm

Viêm vùng chậu là bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới trong tuổi sinh đẻ. Đây là bệnh nếu không phát hiện điều trị sớm có thể dẫn đến vô sinh hoặc thai ngoài tử cung.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/vung-chau1.jpg

Viêm vùng chậu dễ gây nhiều biến chứng.

Các yếu tố nguy cơ gây nên viêm vùng chậu bao gồm: phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, có quan hệ sớm và quan hệ với nhiều bạn tình, đã có tiền căn viêm cổ tử cung nhầy mủ điều trị không triệt để, tái phát nhiều lần. Ngoài ra, các thủ thuật nạo hút thai, các thủ thuật trên âm đạo, cổ tử cung, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây bệnh. Đa số trường hợp mà nguyên nhân gây bệnh là những loại vi khuẩn lây lan qua đường tình dục như neisseria gonorrheae và chlamydia trachomatis.

Trường hợp nặng, người bệnh than đau vùng bụng dưới, đau từng cơn hay đau âm ỉ, huyết trắng âm đạo ra nhiều hơn và nặng mùi kèm thay đổi màu sắc huyết trắng, màu xanh hay màu vàng. Dấu hiệu sốt trên 38 độ C, ớn lạnh toàn thân, người mệt. Khi quan hệ, cảm giác đau nhiều.

Ngoài dựa vào những triệu chứng để chẩn đoán, người bệnh có thể được làm các xét nghiệm như: Kiểm tra tế bào bạch cầu trong dịch âm đạo, nếu dịch không chứa các tế bào bạch cầu, viêm vùng chậu khó có thể xảy ra; Xét nghiệm tìm vi khuẩn gây bệnh lậu hoặc chlamydia trong dịch tử cung; Siêu âm phát hiện các áp xe trong ống dẫn trứng, buồng trứng; thai ngoài tử cung; Chụp cộng hưởng từ MRI là phương pháp hiệu quả nhất để chẩn đoán.

Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể hình thành mô sẹo ở cả trong và ngoài ống dẫn trứng, điều này có thể làm tắc ống dẫn trứng; Hiện tượng thai ngoài tử cung, vô sinh; có thể gây áp-xe vùng chậu, thường là khối áp-xe ở tai vòi buồng trứng.

Điều trị, có thể bằng nội khoa, dùng thuốc kháng sinh hoặc điều trị bằng điện: Là phương pháp lợi dụng sự linh động của các ion điện, từ đó thúc đẩy tuần hoàn máu và bạch cầu. Quá trình tuần hoàn này sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm viêm, tiểu sưng, có lợi cho việc ngăn ngừa các triệu chứng sưng đau tại vùng chậu; Điều trị bằng nhiệt: Nhiệt độ sẽ kích thích sự trao đổi chất và tuần hoàn máu, từ đó máu và các chất dinh dưỡng sẽ được vận chuyển tới các mô.

Nhằm nâng cao sức đề kháng của các mô, chống lại nguy cơ viêm nhiễm; Điều trị bằng từ trường kết hợp với các biện pháp massage, sẽ góp phần làm tăng hiệu quả hấp thụ của thuốc, thư giãn các cơ, giảm bớt căng thẳng và mệt mỏi cho các mô cơ và tế bào trong vùng chậu.

Lưu ý không thụt rửa vào âm đạo mà chỉ rửa vùng âm hộ, việc thụt rửa vào trong âm đạo sẽ làm xáo trộn môi trường âm đạo tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây hại phát triển gây nhiễm khuẩn âm đạo. Khi có huyết trắng bất thường cần đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, không nên tự ý đặt thuốc âm đạo.

ThS Đỗ Việt Hương

(Bệnh viện Tuệ Tĩnh)

BẢN DESKTOP