Y học và đời sống

Viêm tuyến nước bọt sau uống xạ

  • Tác giả : Khánh Thủy (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Viêm tuyến nước bọt sau uống xạ ( iốt 131) không phải là do nhiễm trùng mà là do ảnh hưởng của phóng xạ làm viêm tuyến nước bọt, do đó thường điều trị không dùng kháng sinh. Thời gian xuất hiện viêm tuyến nước bọt sau uống xạ không cố định, có thể sau 1 tháng, 6 tháng, 1 năm, 5 năm…

Hỏi: Em mắc bệnh tuyến giáp đang uống thuốc điều trị. Em thấy một số người mắc bệnh nặng phải uống xạ và bị viêm tuyến nước bọt, như thế có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Hoàng Ngân (Thanh Hóa)

ThS.BS Mai Văn Sâm, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Có các tuyến nước bọt chính là 2 tuyến mang tai hai bên, 2 tuyến dưới hàm và nhiều tuyến phụ trong miệng, dưới lưỡi. Viêm tuyến nước bọt sau uống xạ (iốt 131) không phải là do nhiễm trùng mà là do ảnh hưởng của phóng xạ làm viêm tuyến nước bọt, do đó, thường điều trị không dùng kháng sinh. Thời gian xuất hiện viêm tuyến nước bọt sau uống xạ không cố định, có thể sau 1 tháng, 6 tháng, 1 năm, 5 năm… và số lần viêm không cố định, có thể 1 lần hoặc nhiều lần, mức độ viêm không cố định, có người viêm nhẹ, có người viêm nặng. Nếu mức độ viêm nhẹ, đau và sưng nhẹ, cần uống nhiều nước ấm, vệ sinh sạch sẽ răng miệng, súc miệng nước muối, xoa nhẹ, vuốt nhẹ vào vị trí tuyến nước bọt để nước bọt không tắc nghẽn trong tuyến và chườm ấm vùng tuyến nước bọt. Nếu mức độ viêm vừa thì vẫn thực hiện cách trên và uống thêm các loại giảm đau thông thường như paracetamol, panadol. Nếu mức độ viêm nặng, đau nhiều thì vừa thực hiện theo cách đầu tiên và vừa uống giảm đau, giảm viêm corticoid (thuốc này phải do bác sĩ kê đơn, không được tự ý uống vì có nhiều tác dụng phụ). Nếu viêm tuyến nước bọt sau uống xạ mà có kèm theo nhiễm trùng, sưng, đau và kèm theo sốt thì lúc này sẽ dùng giảm đau, giảm viêm và dùng thêm kháng sinh. Việc dùng thuốc phải do bác sĩ kê đơn.

Khánh Thủy (ghi)

BẢN DESKTOP