Sức khỏe mới

Viêm tuyến giáp sau sinh có nguy hiểm?

  • Tác giả : ThS.BS Mai Văn Sâm (Đại học Y Hà Nội)
Viêm tuyến giáp sau sinh không hiếm gặp nhưng dễ bị nhầm lẫn với tình trạng stress hay rối loạn tâm thần sau sinh.

Quá trình viêm tuyến giáp sau sinh thường trải qua 2 pha. Đầu tiên tuyến giáp bị viêm sản xuất nhiều hormon giáp gây các triệu chứng của cường giáp như mệt mỏi, dễ tức giận, tim đập nhanh và mạnh, sụt cân mà không có nguyên nhân rõ ràng, chịu nóng kém, sợ nóng, lo âu, run cơ, mất ngủ…

Những triệu chứng này thường xảy sau sinh 1-4 tháng và kéo dài 1-3 tháng. Sau đó, các tế bào giáp trở nên kém hoạt động dẫn đến pha 2 với các triệu chứng của suy giáp như cảm giác mệt như không còn năng lượng, sợ lạnh, táo bón, da khô, kém tập trung, nhức mỏi và đau cứng cơ khớp.

Những triệu chứng này xảy ra sau sinh 4-8 tháng và có thể kéo dài 9-12 tháng. Tuy nhiên, đôi khi viêm tuyến giáp sau sinh chỉ có các biểu hiện của suy giáp hoặc cường giáp mà không phải 2 pha như trên.

Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp sau sinh vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhiều ý kiến cho rằng nó là một bệnh tự miễn. Khoảng 1/2 số bệnh nhân có tiền sử gia đình bị bệnh lý tuyến giáp tự miễn. Trong giai đoạn mang thai và sau sinh, nội tiết tố của nữ giới có nhiều thay đổi khiến hệ miễn dịch bị rối loạn và tiềm ẩn nguy cơ gây ra viêm tuyến giáp. 

Những phụ nữ mắc bệnh thường có nồng độ kháng thể kháng giáp cao hơn bình thường khi mang thai và sau khi sinh. Vì thế người ta cho rằng những phụ nữ này có bệnh tuyến giáp tự miễn nền nào đó, khi mang thai, hệ miễn dịch bị rối loạn, là một nhân tố khiến cho bệnh bùng phát.

Không phải trường hợp viêm tuyến giáp sau sinh nào cũng cần phải điều trị. Nếu các triệu chứng cường giáp không rõ ràng thì không cần phải điều trị. Nếu triệu chứng rõ thì nghỉ ngơi tại chỗ và giảm triệu chứng bằng nhóm thuốc chẹn β giao cảm là cách điều trị thông thường, sau đó cần tiếp tục theo dõi chức năng tuyến giáp.

Nếu sau pha cường giáp, các triệu chứng của pha suy giáp rõ, nên điều trị ngắn hạn bằng levothyroxin. Với đa số phụ nữ, tuyến giáp sau giai đoạn này sẽ trở về bình thường.

Một số ít trường hợp tiếp tục tiến triển thành suy giáp và có thể cần dùng hormon tuyến giáp thay thế suốt đời. Do đó người bệnh cần theo dõi và điều trị tích cực để bệnh sớm được cải thiện. Phụ nữ sau sinh nếu xuất hiện các dấu hiệu trên cần nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phụ nữ có yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm tuyến giáp sau sinh như mắc rối loạn tự miễn, đặc biệt tiểu đường type 1, tiền sử viêm tuyến giáp sau sinh, nồng độ kháng thể kháng tuyến giáp cao, tiền sử có các vấn đề về tuyến giáp trước đây, tiền sử gia đình có liên quan đến các vấn đề về tuyến giáp cần phải chú ý.

Một số nghiên cứu mới đây cho thấy có mối quan hệ giữa viêm tuyến giáp sau sinh và trầm cảm sau sinh, do đó nếu bị trầm cảm sau sinh nên gặp bác sĩ để được kiểm tra xem hoạt động của tuyến giáp có thay đổi bất thường không.

ThS.BS Mai Văn Sâm (Đại học Y Hà Nội)

BẢN DESKTOP