Dữ liệu y khoa

Viêm tụy cấp hoại tử do rượu

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Bệnh nhân đau bụng dữ dội vì viêm tụy cấp hoại tử do rối loạn chuyển hóa lipid nặng, triglyceride cao gấp 16 lần giới hạnh bình thường. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận… nguy hiểm tới tính mạng.

Máu đặc như sữa sau uống rượu

Ngày 10/9, Khoa Hồi sức Cấp cứu (HSCC), Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương tiếp nhận cấp cứu nam bệnh nhân 47 tuổi trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng trên rốn, đau lan ra khắp bụng và xiên ra sau lưng, bụng  cứng, buồn nôn sau khi uống rượu trong một buổi liên hoan.

Bệnh nhân có thói quen uống nhiều rượu và đã điều trị nội khoa viêm tụy cấp 2 lần. Kết quả CT cho thấy, bệnh nhân bị viêm tụy cấp thể hoại tử, xét nghiệm triglyceride máu tăng cao:  36,9mmol/L – máu trắng như sữa (trong khi người bình thường là dưới 2,3mmol/L).

Ngay lập tức dưới sự chỉ đạo của BSCKI Lương Minh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện – Trưởng khoa HSCC, các bác sĩ đã nhanh chóng thiết lập quy trình thay huyết tương. Hiện tại, sau thay huyết tương bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực, không còn đau bụng, bụng mềm. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa HSCC.

ThS.BS Vũ Huy Sơn, Khoa HSCC, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, triệu chứng của bệnh viêm tụy cấp diễn ra rầm rộ như bệnh nhân bị trướng bụng, đau bụng, buồn nôn, đau vùng thượng vị (ngay dưới xương ức), bí trung đại tiện. Viêm tụy cấp diễn biến phức tạp, nhanh chóng. Ngay cả khi cơn nguy kịch đã tạm qua, các biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy kiệt vẫn rình rập. Bệnh rất dễ tái phát nhiều lần. Vì vậy, bệnh nhân luôn cần được theo dõi y tế sát sao và thực hiện đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Các trường hợp viêm tụy cấp do tăng triglyceride máu thường đáp ứng rất tốt với phương pháp điều trị thay huyết tương. Máu được dẫn ra ngoài qua hệ thống máy lọc, tại đây một lượng huyết tương được loại bỏ và thay thế vào một lượng huyết tương hay albumin tương ứng và sau đó máu được trả về lại cho cơ thể. Đây là một kỹ thuật cao hiện đại đã được triển khai và làm chủ tại Khoa HSCC của bệnh viện.

Tiến hành đặt catheter tĩnh mạch đùi để thực hiện thay huyết tương.

Tiến hành đặt catheter tĩnh mạch đùi để thực hiện thay huyết tương.

Rượu làm tăng triglyceride trong máu 

Các chuyên gia tiêu hóa cho biết, hiện tình trạng những người bị rối loạn chuyển hóa lipid phải cấp cứu ngày càng nhiều. Ngoài choleterol tăng cao, đa số bệnh nhân có hàm lượng triglyceride cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép đi kèm với rất nhiều tổn thương thực thể do uống rượu và rối loạn chuyển hóa gây ra. Đây là một căn bệnh khá nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Triglyceides là những hợp chất hóa học cung cấp cho cơ thể năng lượng cẩn thiết cho sự chuyển hóa. Triglyceride cũng là một dạng mỡ trong cơ thể. Tăng triglycerides thường gặp ở những người béo phì/thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường… và đặc biệt là uống nhiều rượu. Bởi uống rượu có thể làm tăng mức triglyceride trong máu vì kích thích gan sản xuất thêm axit béo. Khi uống quá nhiều cộng với thức ăn nhiều mỡ, tiết canh, hải sản, thịt chó, lục phủ ngũ tạng… sẽ khiến mức triglyceride-huyết tăng đột biến.

Khi có triglycerides trong máu tăng cao thường đi kèm tăng cholesterol toàn phần, bao gồm tăng LDL (loại xấu) và giảm HDL (tốt). Bình thường nếu mỡ máu tăng cao cũng không gây tử vong ngay trong thời gian ngắn, tuy nhiên, nếu không điều trị, về lâu dài sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: bị mỡ đóng vào trong mạch máu, tạo thành một mảng xơ vữa… dễ dẫn đến tình trạng tắc hoặc làm vỡ mạch máu.

Đặc biệt, những người có mỡ máu cao, tình trạng mạch máu bị bít, hẹp mạch máu nhiều hơn. Nếu xảy ra ở não thì gây nên tai biến mạch máu não; nếu ở ruột gây tắc mạch máu nuôi ruột dẫn đến hoại tử ruột; ở tim sẽ gây ra nhồi máu cơ tim; ở chi gây tắc mạch máu chi… 

Để phòng mỡ máu tăng cao, chế độ ăn có nhiều chất xơ, rau, hoa quả. Nên tăng số lượng món cá lên từ 3 - 4 lần một tuần, giảm số lượng các món thịt. Nên sử dụng dầu thực vật thay vì mỡ động vật. Ngoài ra, người bị bệnh mỡ trong máu cần tránh sử dụng các món ăn ngọt hay nhiều dầu mỡ. Đặc biệt, người bệnh không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia hay thuốc lá. 

Thúy Nga

BẢN DESKTOP