Dữ liệu y khoa

Viêm tai giữa và suy giảm thính lực

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Viêm tai giữa xảy ra khi nhiễm trùng đột ngột, nhiễm lạnh, cảm cúm, dị ứng, nhiễm vi khuẩn, virus. Viêm tai giữa thường đọng mủ, chất lỏng trong tai nhiều ngày, nhiều tuần, nếu không được điều trị sẽ trở thành viêm mạn gây những hậu quả nghiêm trọng như mất thính lực.

Viêm tai và suy giảm thính lực

Hầu hết những người bị viêm tai giữa hoặc tai giữa tiết dịch mạn không điều trị triệt để có thể dẫn đến giảm thính lực. Trước đây ta thường nghĩ, viêm tai giữa hay xảy ra với trẻ em nhưng thực chất người lớn cũng bị nhiều.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai mũi họng TƯ, viêm tai giữa có nguyên nhân do vi khuẩn hoặc virus. Viêm tai giữa thường bắt nguồn từ bệnh có liên quan tới đường hô hấp trên như cúm, cảm lạnh, dị ứng làm tắc nghẽn, sưng đường mũi, họng. Khởi đầu của viêm tai giữa thường nhanh chóng với các triệu chứng điển hình như đau tai, sốt, chảy dịch từ tai, ù tai, nghe kém, suy giảm thính lực... Viêm tai giữa không điều trị triệt để dễ dẫn đến viêm tai xương chũm, thủng màng nhĩ, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm và điếc vĩnh viễn.

Theo các chuyên gia, trước khi dẫn tới điếc vĩnh viễn, ở mức độ nhẹ hơn, viêm tai có thể dẫn đến suy giảm thính lực. Điếc dẫn truyền là một dạng suy giảm thính lực khi việc truyền tải âm thanh từ môi trường vào tai trong bị suy yếu. Điếc dẫn truyền có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nếu chất dịch làm đầy tai giữa gây cản trở sức nghe, có thể dẫn lưu chất dịch ra ngoài bằng cách đặt ống thông.

Ngoài ra, một hình thức khác của mất thính lực là điếc tiếp nhận do bất thường của tai trong hoặc phân khu thính giác của các dây thần kinh thính giác. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường điếc vĩnh viễn.

Lão hóa cơ quan thính giác

Ngoài nguyên nhân viêm tai, một nguyên nhân khác dẫn tới giảm thính lực là do sự lão hóa cơ quan thính giác. Với người cao tuổi, da ống tai ngoài theo năm tháng sẽ dần bị teo, mất nước. Ngoài ra, ống tai ngoài còn bị ứ đọng ráy tai tạo thành nút ráy. Trong khi đó, màng nhĩ dày đục, mất bóng, xuất hiện các mảng xơ nhĩ. Chuỗi xương con nằm trong tai giữa bị xốp và có hiện tượng canxi hoá các khớp xương làm cho việc dẫn truyền âm thanh bị giảm. Quá trình lão hoá làm tổn thương các tế bào nghe tại tai trong ngày càng nặng lên.

Thêm vào đó, dây thần kinh thính giác và các mạch máu nuôi dưỡng cũng bị thoái hoá kết hợp với sự đặc dần của các ống xương mà nó đi qua làm cho chúng bị kẹp lại. Hậu quả là quá trình suy giảm thính lực ngày một nhanh chóng. Hiện tượng giảm thính lực thường xảy ra rất chậm, không đi kèm theo triệu chứng như các bệnh khác.

Làm thế nào để giữ được khả năng nghe?

Theo các chuyên gia, các trường hợp người bệnh viêm mũi họng, viêm xoang biến chứng sang viêm tai cần được thăm khám và dùng thuốc. Thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt hoặc làm ức chế tăng trưởng của vi sinh vật. Thuốc kháng sinh phải do bác sĩ kê vì một số thuốc kháng sinh dạng uống, chẳng hạn như erythromycin và tetracyclin, cũng có thể gây mất thính lực.

Đối với những người viêm xoang, tạo chất lỏng và chất nhầy làm tắc nghẽn vòi nhĩ  dẫn đến đau tai, ù tai và giảm thính lực, ngoài dùng thuốc kháng sinh, để thông tắc nhanh hơn có thể ngáp hoặc nhai kẹo cao su giúp thông vòi nhĩ. Về chế độ ăn uống, một số thực phẩm tốt cho sức khỏe và tai như cá nước lạnh, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau tươi và trái cây.

Người có tai nghe kém nên bổ sung chất chống oxy hóa làm chậm lão hóa trên toàn cơ thể bao gồm vitamin A, C và E. Đây là các chất chống oxy hóa trung hòa các gốc oxy tích tụ lâu ngày trong cơ thể có thể làm tổn thương tai. Vitamin B3 thúc đẩy lưu thông máu đến tai, vitamin B6 giúp cho thần kinh khỏe mạnh nên được bổ sung. Thiếu vitamin B12 và folate (vitamin B9) có thể làm rối loạn chức năng thính giác liên quan đến tuổi tác, do đó phải đảm bảo cung cấp đủ hai loại vitamin cho cơ thể qua thực phẩm. Ngoài ra, nên tránh tiếng ồn lớn, tránh nghe nhạc triền miên, khi viêm nhiễm tai mũi họng cần được thăm khám và dùng thuốc sớm, loại trừ các biến chứng cho tai.

Dấu hiệu cho biết tai gặp trục trặc: Có thể nghe ở những nơi yên tĩnh, khó nghe ở nơi đông người; Hoàn toàn không nghe được gì hoặc chỉ nghe loáng thoáng từng câu, từng chữ đứt quãng ở những nơi như sân khấu, nhà hát, chỗ họp đông người; Khó khăn khi nghe âm thanh phát ra từ ti vi hoặc điện thoại; Thường xuyên yêu cầu người khác lặp đi lặp lại câu nói họ vừa nói; Luôn phải ghé đầu về phía người nói để lắng nghe; Không thể nghe rõ ràng phát âm hoặc những lời nói cuối câu của người đối diện. Những trường hợp này cần đi khám sớm, tránh suy giảm thính lực.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP