Y học và đời sống

Viêm họng kéo dài gây suy nhược thần kinh

Viêm họng mạn tính quá phát lâu ngày chuyển sang teo, nếu kéo dài không điều trị ngoài biến chứng viêm thanh quản, khí quản… còn gây suy nhược thần kinh, cơ thể.

Ảnh minh họa

Bệnh thường bắt đầu từ viêm họng mạn tính phối hợp với viêm mũi – xoang mạn hay đôi khi với viêm thanh – khí quản mạn.

Nguyên nhân thường gặp là do ảnh hưởng của ngạt tắc mũi mạn, phải thở bằng miệng kéo dài, nhất là về mùa lạnh. Do vẹo vách ngăn, do polyp, viêm xoang nhất là viêm xoang sau như nhày mủ luôn chảy xuống họng.

Do chất kích thích như khói thuốc lá, rượu, bụi, sợi bông, hóa chất. Do yếu tố cơ địa, dị ứng, suy gan, đái đường.

Biểu hiện bệnh nhân cảm thấy khô họng, nóng, rát trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng, vướng họng nhất là mới ngủ dậy, phải cố khạc đờm, đằng hắng để làm long đờm, đờm dẻo và đặc thường tăng lên khí nuốt.

Bệnh nhân thường phải khạc nhổ luôn, có ít nhầy quánh, thường hay bị ho nhất là ho nhiều vào ban đêm, khi lạnh, nuốt hơi nghẹn, tiếng nói bị khàn trong giây lát rồi trở lại bình thường.

Bệnh phát triển từ viêm họng mạn (niêm mạc họng đỏ, ướt, có chất xuất tiết nhầy, trong dính vào thành sau họng) thành viêm họng quá phát và viêm họng teo.

Biểu hiện của viêm họng quá phát là niêm mạc họng dày và đỏ, cạnh trụ sau của amidan niêm mạc nề dầy lên làm thành trị giả, bệnh nhân rất nhạy cảm ở họng và rất dễ buồn nôn. Thành sau họng có các nang lympho phát triển mạnh, quá sản dầy thành những đám nề, màu hồng hay đỏ lồi cao hơn.

Màn hầu và lưỡi gà dầy, eo họng bị hẹp. Niêm mạc loa vòi eustachi cũng quá sản, gây ù tai. Mép sau của thanh quản cũng bị dầy: Ho khan và tiêng khàn, xuất tiết nhiều.

Viêm họng teo là do viêm họng quá phát lâu ngày chuyển sang. Tuyến nhầy và nang tân xơ hóa, niêm mạc trở lên nhẵn mỏng, trắng bệch có mạch máu nhỏ. Eo họng rộng ra. Tiết nhầy khô lại biến thành vẩy dính vào niêm mạc, phải đằng hắng hoặc ho luôn.

Bệnh nếu để kéo dài không điều trị sẽ đưa đến viêm thanh quản mạn tính, viêm thanh – khí quản mạn… hoặc các đợt viêm cấp amidan, áp xe amidan… Gây lên suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh do phải luôn khạc nhổ, nhất là ban đêm.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh

(nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai – Mũi – Họng T.Ư)

BẢN DESKTOP