Dữ liệu y khoa

Viêm đa rễ và dây thần kinh ngoại biên

  • Tác giả : PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm
(khoahocdoisong.vn) - Viêm đa rễ và dây thần kinh là bệnh lý viêm và mất myelin ở hệ thống dây thần kinh ngoại biên. Bệnh xuất hiện từ 1- 3 tuần sau nhiễm virus herpes hoặc sởi, hồng ban, thuỷ đậu, quai bị, đôi khi khởi bệnh sau tiêm chủng hoặc phẫu thuật.

Một số người mắc bệnh sau khi nhiễm trùng bởi Campylobacter, một nhiễm trùng do ăn thịt gia cầm không được nấu chín kỹ, sau khi nhiễm Influenza virus (virus gây bệnh cúm), Epstein-Bar virus (gây bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, u lympho Burkitt, ung thư biểu mô mũi hầu họng…), HIV, Mycoplasma (viêm phổi)…

Bệnh gồm 5 thể

- Viêm đa rễ và dây thần kinh mất myelin cấp tính (hội chứng Guillain Barre) hay AIDP. 

- Viêm đa rễ và dây thần kinh mất myelin mạn tính.

- Viêm sợi trục thần kinh vận động cảm giác cấp tính.

- Viêm sợi trục thần kinh vận động cấp.

- Hội chứng Miler fisher.

Sinh bệnh học. Viêm đa rễ và dây thần kinh mắc phải do phản ứng viêm tự miễn. Nhiều cytokin tiền viêm được giải phóng đã tìm thấy tăng trong huyết thanh như: IL -37, IL -17 A, IFN gamma, TNF alpha, trong dịch não tủy IL-37, IL-17A tăng cao hơn nhóm chứng. Tìm được kháng thể GM1 (monosialogonglia side), GD1a, GD1b, Gal Nac-GD1a trong huyết thanh nếu bệnh nhân trước đó nhiễm vi khuẩn Campylobacter jejuni. IgG, IgM ở dây thần kinh bị viêm dưới kính hiển vi điện tử, bổ thể C3,C4 trong huyết thanh giảm.

Khởi đầu là các tổn thương thoái hóa bao myelin, phân hoá bao Schawann, nút Ranvier, các sợi trục và tổn thương  tế bào thần kinh, tổn thương ngược chiều lên thân của tế bào thần kinh kèm theo hiện tượng thâm nhiễm của tế bào lympho và các đại thực bào, phù nề và ứ huyết các mao quản của dây thần kinh tuỷ sống và các hạch gai. Các tổn thương này làm cho các rễ thần kinh và nhất là các dây thần kinh bị cắt đoạn. Khi tổn thương nặng thì thấy thoái hoá sợi trục thần kinh. Tổn thương có thể lan đến màng não cứng, hình ảnh viêm quanh các tĩnh mạch trong khoang dưới nhện. Thoái hóa myelin của cột sau, đường gai, tiểu não, các mạch máu trong chất trắng của bán cầu đại não.

Phát hiện bệnh. Triệu chứng ban đầu, 50% các trường hợp có rối loạn cảm giác đau, dị cảm ở các chi hoặc bệnh xuất hiện đột ngột liệt 2 chi dưới, hay yếu các nhóm cơ. Người bệnh liệt có tính chất đối xứng, liệt ngọn chi nhiều hơn gốc chi, có nhiều trường hợp liệt đồng đều gốc chi giống như ngọn chi. Liệt có thể lan lên 2 chi trên, liệt các dây thần kinh sọ não IX,X, XI, VII; 10% liệt mềm tiến triển nặng, liệt cơ hô hấp phải cần đến hô hấp hỗ trợ. Người bệnh bị tổn thương hệ thần kinh giao cảm, có thể biến loạn tuần hoàn, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, hoặc hạ huyết áp. Bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn căn cứ vào tổn thương vận động:

+ Giai đoạn cấp: Kéo dài 2-15 ngày từ lúc có triệu chứng ban đầu đến liệt tối đa.

+ Giai đoạn tiếp diễn: 7-15 ngày liệt vận động tối đa đến khi có dấu hiệu bình phục.

+ Giai đoạn bình phục.

Bệnh gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh nên bệnh nhân có thể mắc chứng khó thở, việc yếu và liệt cơ có thể lan tới các cơ hô hấp dẫn tới tử vong. Trên 30% các bệnh nhân mắc hội chứng này phải dùng tới sự hỗ trợ của máy thở khi nhập viện điều trị. Một số bệnh nhân tê bì, huyết áp lên xuống thất thường, có thể loạn nhịp tim. Hơn một nửa số bệnh nhân thấy xuất hiện các cơn đau thần kinh nghiêm trọng và phải dùng tới thuốc giảm đau để làm giảm các cơn đau. Bệnh nhân có thể mắc rối loạn chức năng của ruột và bàng quang, liệt ruột hoặc bàng quang, không thể giữ được nước tiểu. Do phải nằm bất động nên nguy cơ bệnh nhân xuất hiện các cục máu đông rất cao. 5% số người mắc hội chứng này có khả năng tái phát đợt cấp trong những năm tiếp theo. Tùy theo từng thể trạng bệnh mà có hướng điều trị khác nhau. Khi mắc bệnh, người bệnh phải điều trị tại bệnh viện và theo chỉ định của bác sĩ.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm, BV Quân y 103

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm

BẢN DESKTOP