Y học và đời sống

Viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn

Viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn là bệnh tổn thương cầu thận cấp tính do cơ chế miễn dịch, xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn. Biểu hiện lâm sàng là hội chứng viêm cầu thận cấp như phù, đái ít,  tăng huyết áp, đái ra máu đại thể hoặc vi thể, protein niệu, xảy ra đột ngột, diễn biến trong một thời gian ngắn vài tuần, vài tháng.

Phù là triệu chứng chính của bệnh.

PGS.TS Hà Kiệm, giảng viên bộ môn Tim – Thận – Khớp – Nội tiết, Học viện Quân y cho biết, viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn ở họng hoặc da 1-3 tuần. Triệu chứng viêm cầu thận cấp xuất hiện đột ngột sau nhiễm liên cầu khuẩn. Nếu nhiễm khuẩn họng, thường sau nhiễm khuẩn 7-14 ngày.

Nếu nhiễm khuẩn da thì triệu chứng viêm vầu thận cấp xuất hiện muộn hơn, thường sau 21 ngày. Nếu triệu chứng viêm cầu thận cấp xuất hiện sớm dưới 4 ngày sau nhiễm liên cầu khuẩn thì thường là bệnh nhân đã có bệnh thận từ trước.

Khi xuất hiện triệu chứng viêm cầu thận cấp thì triệu chứng nhiễm khuẩn thường không còn, chỉ còn một số ít trường hợp vẫn còn triệu chứng nhiễm khuẩn. Bệnh có thể tiến triển rầm rộ với đầy đỉ các triệu chứng của hội chứng viêm cầu thận cấp, nhưng cũng có một số trường hợp không có nhiều biểu hiện lâm sàng.

Theo TS Lê Thị Nhạn, Trưởng khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay, một số triệu chứng điển hình của viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn gồm: Phù là triệu chứng thường gặp nhất, là dấu hiệu đầu tiên giúp người ta phát hiện bệnh. Phù xuất hiện đầu tiên ở hai mi mắt, buổi sáng ngủ dậy thấy nặng mi mắt, hai mi mắt căng mọng, mất nếp gấp.

Phù xuất hiện sớm ở mi mắt là vì tổ chức ở đây lỏng lẻo, áp lực trong tổ chức thấp, sau đó phù phát triển ra toàn thân, cân nặng bệnh nhân tăng. Phù thường ở mức độ nhẹ và trung trung bình với đặc điểm phù mềm, trắng, ấn lõm. Phù nhiều về buổi sáng sau khi ngủ dậy và giảm đi về buổi chiều, phù tăng khi ăn mặn và giảm khi ăn nhạt.

Nếu có hội chứng thận hư thì phù thường nặng, có tràn dịch màng phổi, màng bụng, màng tinh hoàn, màng tim; Đái ít đi kèm với phù là đái ít, số lượng nước tiểu dưới 500ml/24 giờ, có khi chỉ vài trăm ml. Phù càng nặng thì số lượng nước tiểu càng ít, nước tiểu sẫm màu.

Nếu có biến chứng suy thận cấp thì bệnh nhân vô niệu, lượng nước tiểu dưới 100ml/24 giờ; Đái ra máu đại thể có khoảng 30% bệnh nhân có đái ra máu đại thể toàn bãi, nước tiểu có màu hồng đến đỏ đục như nước của thịt. Đái ra máu đại thể thường xuất hiện trong ngày đầu của bệnh, thường chỉ kéo dài 2-3 ngày rồi nước tiểu trong dần.

 Người bệnh sẽ có triệu chứng tăng huyết áp, xuất hiện sau phù vài lần. Hầu hết các bệnh nhân khi xuất hiện viêm cầu thần thì không còn triệu chứng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân vẫn còn triệu chứng nhiễm khuẩn ở họng hoặc ở da với biểu hiện sốt nhẹ, đau rát họng, ho, thành họng đỏ, hoặc viêm da liên cầu với biểu hiện những đám mụn nước nông trên da, ngứa, dịch tiết từ nốt phỏng nước có mùi tanh.

P.Hằng ( ghi)

BẢN DESKTOP