Khám phá

Việc xét xử thời phong kiến – kỳ 4: Những tiến bộ của Lê triều Hình luật

Những tiến bộ của Lê triều Hình luật,

Xử án phải nhanh chóng

Về nhân chứng, những người làm chứng trong việc kiện tụng, nếu xét ra ngày thường đôi bên kiện tụng là người thân tình hay có thù oán, thì không cho phép ra làm chứng. Nếu những người ấy giấu giếm ra làm chứng, thì bị khép vào tội không nói đúng sự thực. Hình quan ngục quan biết, mà dung túng việc đó đều bị tội

Về trách nhiệm dân sự, tài sản liên quan đến vụ việc cũng phải bảo đảm công bằng, truy thu số tiền bồi thường, phải trả cho người được bồi thường, không được bớt xén

Phải bảo đảm điều tra, xét xử nhanh chóng, khôi phục lợi ích của bên bị thiệt hại trong thời gian nhanh nhất, tránh việc kéo dài, chậm trễ làm ảnh hưởng tới lợi ích của người bị buộc tội và các đương sự cũng là một đòi hỏi của xét xử công bằng, bảo đảm công lý

Cụ thể, phải nhanh chóng trong việc truy tố và nhanh chóng trong việc xử án; việc trộm cướp thì phải xét xử trong thời hạn ba tháng, việc huỷ báng trong bốn tháng, việc điền thổ trong ba tháng, việc hộ hôn, việc trái luật lặt vặt, việc đánh chửi nhau, cùng việc tạp tụng thì hai tháng; các việc này đều lấy ngày bắt bị cáo đến hầu kiện làm ngày đầu.

Những quan xét án, dùng dằng để việc quá kì hạn không xét xử, thì bị tội theo luật đã định. Khi xét xử phúc thẩm hay khi cần đối chất cũng phải thực hiện nhanh chóng.

Thi hành án như tịch thu tang vật, thi hành hình phạt bãi chức hay cách chức, phải thu bằng sắc cũng phải kịp thời, đúng thời hạn. Nếu tội nhân nghèo khó quá không sao nộp được, thì thuộc lại được phép trình bản ti để tâu lên vua định đoạt.

Cơ chế giải quyết oan sai

Trách nhiệm về làm oan sai và cơ chế giải quyết oan sai, “Lê triều hình luật” thể hiện được tính minh bạch và dân chủ của bộ máy nhà nước; khẳng định quyền kêu oan của đương sự: những người có tờ trạng kêu oan, được bày tỏ khi hỏi kiện; quan xét xử không đúng, oan sai thì phải chịu hình phạt: Điều 29 quy định rất chi tiết các trường hợp oan sai, cố tăng tội nhẹ thành nặng, gỡ tội nặng ra nhẹ; đem tội nhẹ buộc vào tội nặng.

Điều luật này cũng phân định rõ việc xử sai là do cố ý hay vô ý, nếu xét tội kẻ phạm vì lầm lẫn mà thêm bớt tội người, thì bị tội trên nhưng được giảm hai bậc. Ngục lại lầm lỗi về kiểm xét, thì bắt tội ngục lại. Ngục quan lầm lỗi trong sự tra hỏi, thì bắt tội ngục quan

Lê triều Hình luật cũng quy định những yêu cầu đối xử nhân đạo với những người bị giam giữ. Nếu tù nhân phạm tội nặng, bị thương cần xét nghiệm, bị bệnh cần cấp thuốc men; những tù nhân phạm tội nhẹ, phải để cho người thân thuộc bảo lĩnh.

Ngục giám vô cớ hành hạ, đánh đập tù nhân bị thương, thì xử tội theo luật đánh người bị thương; nếu bớt xén quần áo và cơm, đồ ăn, thì chiếu số ăn bớt mà khép vào tội ăn trộm.

Ra đời cách đây năm thế kỷ, nhưng nội dung, tinh thần của Lê triều Hình luật, sự chi tiết, thấu đáo trong các quy định, sự cẩn trọng và coi trọng con người của bộ luật luôn là lời nhắc nhở những người cầm cân nảy mực, những nhà lập pháp, luật gia hôm nay.

Họ không thể vội vàng, thiếu cẩn trọng trong công việc quan trọng của mình, để có thể bảo vệ các quyền cơ bản của con người, bảo đảm công lý trong xã hội.

Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP