Doanh nghiệp

Vì sao Vinachem muốn bán công ty sản xuất phân bón DAP đang làm ăn có lãi?

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - DAP - Vinachem đang là dự án duy nhất trong 4 dự án thua lỗ của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) chuyển sang giai đoạn làm ăn có lãi. Tuy nhiên, do đang khốn đốn về dòng tiền, Vinachem đang muốn nhanh chóng thoái vốn tại nhà máy này.

Gian nan thoái vốn

Ngày 31/5/2021, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đối với việc thúc đẩy tiến trình thoái vốn nhà nước tại DAP – Vinachem (MCK: DDA). Trong đó, Phó Thủ tướng đồng ý đề nghị để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Vinachem thực hiện đấu giá công khai một lô cổ phần của DAP-Vinachem trên sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại Nghị định 140/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

DAP-Vinachem từng là 1 trong 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón thuộc nhóm dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương. Nhưng từ năm 2018, đơn vị này đã thoát thua lỗ. Hiện doanh nghiệp này có thị trường tốt, thương hiệu mạnh.

Năm 2020, nhà máy DAP- Vinachem đạt lợi nhuận sau thuế gần 28,44 tỷ đồng, tăng gần 75% so với trước kiểm toán (báo cáo lãi 16,25 tỷ đồng) do điều chỉnh lại một số khoản chi phí.

Tuy nhiên, cũng trong năm 2018, khi DAP – Vinachem bắt đầu thoát thua lỗ, Vinachem đã đề xuất kế hoạch cổ phần hóa đơn vị này.

Thời điểm đó, Vinachem đã thuê đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị thực tế phần vốn của Tập đoàn đầu tư tại doanh nghiệp. Theo đó, giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn của Tập đoàn tại DAP - Vinachem được xác định theo phương pháp tài sản, tính tại thời điểm 0h ngày 1/7/2019.

Đơn vị tư vấn đã phát hành chứng thư thẩm định giá, giá khởi điểm chào bán cổ phần của Tập đoàn tại DAP-Vinachem được xác định theo phương pháp tài sản là 16.218đ/cổ phần, làm tròn 16.300đ/cổ phần. Trong trường hợp Vinachem thoái vốn thành công theo giá khởi điểm trên, kết quả chuyển nhượng vốn thu về 1.524 tỷ đồng và lãi 588 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với thời điểm đó, hiện nay, tài sản và vốn chủ sở hữu của DAP-Vinachem đã tăng thêm, hơn nữa giá trị lãi vô hình trong tương lai là điều nhìn thấy, do đó giá khởi điểm của cổ phiếu DDV nếu Vinachem đem ra chào bán tới đây nhiều khả năng phải tăng lên so với định giá tại thời điểm 1/7/2019 (là 16.300đ/cổ phần).

Chưa kể, hiện nay, thị trường chứng khoán đã khởi sắc hơn nhiều so với năm 2019 - 2020, đặc biệt thị trường phân bón, hóa chất cũng có nhiều chuyển biến tích cực, định giá cổ phiếu DDA do đó nhiều khả năng cũng điều chỉnh theo.

Lãi mới bán, lỗ giữ lại

Hiện nay, cả nước chỉ có 2 nhà máy sản xuất phân bón DAP, đều của Vinachem, gồm DAP – Vinachem (DAP Đình Vũ) và DAP – Vinachem số 2 (DAP Lào Cai).

Về công suất thiết kế, hai nhà máy DAP của Vinachem đều có công suất trên 330.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, hiện nay năng lực sản xuất của 2 nhà máy này mới chỉ đạt trên 392,6 nghìn tấn.

Trong khi đó, nhu cầu phân bón DAP trong nước hiện nay đang ở mức trên 1 triệu tấn/năm (10,1% tổng nhu cầu 11 triệu tấn), nếu hoạt động hết công suất, nhà máy DAP của Vinachem mới đáp ứng được khoảng trên 60% nhu cầu phân bón DAP của cả nước.

Có nghĩa dư địa phát triển của 2 nhà máy DAP trên là rất lớn. Đặc biệt là nhà máy DAP Lào Cai khi nguyên liệu sản xuất tại chỗ và thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Hơn nữa, về giá, phân bón DAP do hai công ty thuộc Vinachem hiện có giá thấp hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc khoảng vài trăm nghìn đồng mỗi tấn.

Cụ thể, phân DAP do các nhà máy trong nước sản xuất đang bán ở mức 9,52 triệu đồng/tấn (bán sỉ) và 10,4 triệu đồng/tấn (bán lẻ). Nhưng giá phân DAP nhập khẩu của Hàn Quốc đang ở mức 15,5 triệu đồng/tấn, DAP Trung Quốc cũng mức 15,5 triệu đồng/tấn (tăng tới 49%).

Theo các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, khi giá phân bón DAP sẽ tiếp tục tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến nhiều loại phân bón DAP của Trung Quốc hay Hàn Quốc đang khan hiếm.

Khi nhu cầu thị trường lớn, năng suất tự thân nhà máy có thể nâng cao, giá phân bón tăng, sẽ không quá khi nói 2 nhà máy DAP của Vinachem sẽ là “con gà đẻ trứng vàng”. Nhưng hiện nay, sau nhiều năm tái cơ cấu, mới chỉ DAP - Vinachem thoát khỏi cảnh thua lỗ, trong khi DAP - Lào Cai thuận lợi hơn về mặt nguyên liệu, công nghệ lại chưa thấy điểm sáng.

Trong đó, tình hình tài chính của công ty mẹ Vinachem đang rất khó khăn. Trong đó phải kể đến nhiều khoản vay đầu tư vào các dự án như dự án Đạm Ninh Bình, trong đó nhiều hợp đồng đã quá hạn thời gian dài. Thêm vào đó, Vinachem cũng đang phải xử lý tranh chấp hợp đồng EPC trong Dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali tại Lào, dự kiến Vinachem sẽ phải chuẩn bị một khoản tiền không nhỏ cho các khoản mục nêu trên.

Do đó, nhu cầu về dòng tiền hiện nay của Vinachem là vô cùng cấp bách. 

Đó là lý do chính khiến Vinachem "gấp gáp" muốn bán vốn nhà nước tại DAP - Vinachem - đơn vị duy nhất thoát khỏi cảnh thua lỗ và đang có tiềm năng cực tốt để phát triển. Nếu thoái vốn thành công, Vinachem sẽ có được một nguồn vốn đáng kể để tập đoàn này có thể tái cơ cấu,  gồng gánh những dự án khác ra khỏi tình trạng kém hiệu quả hiện nay.

Tuy nhiên, như đã nói, về lâu dài, các nhà máy DAP vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nên về đường dài, giữ lại các nhà máy này tất nhiên sẽ có lợi hơn so với vội bán.

Nhưng, cũng có thể có cách nhìn khác,  DAP - Vinachem hiện vẫn có những cổ đông chiến lược, gắn bó với doanh nghiệp này từ khi mới thành lập và thực tế cũng là khách hàng lớn nhất của công ty. Câu hỏi cổ đông này có hứng thú với việc thâu tóm nhà máy này hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Vậy đó là cổ đông nào? KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin vào các kỳ báo tới.

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP