Dữ liệu y khoa

Vì sao viêm não mô cầu lại hay tấn công trẻ bụ bẫm, người khỏe mạnh?

Phần lớn bệnh nhân bị viêm não mô cầu tập trung trong khoảng độ tuổi 14 – 20 tuổi hoặc trẻ nhỏ bụ bẫm từ 3 tháng đến 5 tuổi.

24 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng, bệnh biến chứng rất nhanh

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) tiếp nhận cấp cứu 2 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị viêm màng não mô cầu.

Vì sao viêm não mô cầu lại hay tấn công trẻ bụ bẫm, người khỏe mạnh? ảnh 1

Ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước là một trong những triệu chứng của bệnh viêm màng não do não mô cầu. Ảnh minh họa.

Đó là một thiếu nữ 15 tuổi ở Ba Vì (Hà Nội) nhập viện ngày 13-4 với triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài không tự chủ, trên da xuất hiện chấm xuất huyết hoại tử hình sao rất đặc trưng của bệnh viêm màng não do não mô cầu.

Trường hợp khác là một bé gái 14 tháng tuổi (ở Kim Chung, Đông Anh), được người nhà đưa đến viện trong tình trạng sốt cao liên tục, có các cơn co giật, tím tái, lơ mơ.

Cả hai bệnh nhân được các bác sĩ điều trị tích cực hiện đã qua cơn nguy kịch.

Trước đó, tháng 9/2017, một thiếu nữ 18 tuổi (người Quảng Bình) đang trọ học tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng nhập viện Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tỉnh, cổ cứng, ban xuất huyết hoại tử vùng ngực, bụng, đùi. Bệnh nhân được chỉ định chọc dịch não tủy xét nghiệm. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do não mô cầu.

Theo bác sĩ Đào Hữu Thân – Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, Trung tâm đã tiến hành các bước xử lý như với một ổ dịch với trường hợp này như: lập danh sách, sử dụng kháng sinh dự phòng theo dõi sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân trên; Vệ sinh môi trường phun khử khuẩn bằng dung dịch cloramin B 0,5% hoạt tính tại nơi ở, nơi học tập của người bệnh; tư vấn người dân mở cửa thông thoáng khí, giặt, vệ sinh chăn màn, vật dụng cá nhân..

Người khỏe mạnh cũng mang mầm bệnh

Bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc.

Bệnh này do một loại cầu khuẩn thường xếp thành cặp, có tên khoa học là Neisseria meningitidis. Một số người lành cũng có thể mang vi khuẩn đó ở vùng hầu họng, gặp điều kiện thuận lợi sẽ xuất hiện thành dịch lây lan nhanh chóng.

Vi khuẩn này thường gây hai bệnh lý chính là: viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu do não mô cầu. Cả hai thể này đều nguy hiểm và có thể gây sốc, tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) cho biết: Vi khuẩn gây bệnh não mô cầu thường sinh sống ở vùng tai – mũi – họng của con người, phát triển mạnh ở môi trường chật hẹp đông đúc. Theo các nghiên cứu, tất cả mọi người khỏe mạnh ở các lứa tuổi khác nhau đều có thể mắc bệnh viêm màng não mô cầu. Tuy nhiên, hay gặp nhất ở trẻ nhỏ từ 3 tháng đến 5 tuổi và nhóm tuổi thanh, thiếu niên từ 14-20 tuổi. Đặc biệt, nó có đặc tính tấn công vào những người khỏe mạnh, trẻ bụ bẫm…

Đồng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng: Não mô cầu là bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, vi khuẩn não mô cầu cư trú ở vùng hầu họng, khi có tiếp xúc thông thường giữ người với người sẽ lây truyền qua nước bọt, dịch tiết đường hô hấp như: ho, hắt hơi.

“Tỷ lệ người mang vi khuẩn Neisseria meningitidis không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) là 10-20%. Họ mang vi khuẩn nhưng không phát bệnh, vi khuẩn không vượt qua được “hàng rào” bảo vệ của cơ thể để gây bệnh.

 Còn khi đã phát bệnh thì diễn tiến rất nhanh, có thể cướp đi sinh mạng của trẻ đang khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng.

Ở thể tối cấp, tỷ lệ tử vong bệnh nhân lên đến 60-70%. Ở thể viêm màng não mủ, tỷ lệ tử vong 30-40% nếu điều trị không kịp thời. Những trường hợp sống sót có thể để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt…”

(Thầy thuốc ưu tú, BS Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ)

Do đó, khi phát hiện bệnh nhân não mô cầu cần được cách ly nhanh chóng, sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp, càng sớm càng tốt. Khi tiếp xúc với bệnh nhân hoặc ca bệnh nghi ngờ cần mang trang bị phòng hộ đeo găng tay, khẩu trang, rửa tay sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Một số đối tượng đặc biệt khi tiếp xúc với mầm bệnh mà không được phòng hộ cần được hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng.

Vì sao viêm não mô cầu lại hay tấn công trẻ bụ bẫm, người khỏe mạnh? ảnh 2

Môi trường sống chật chội, kém vệ sinh… làm tăng nguy cơ gây bệnh viêm màng não do não mô cầu. Ảnh minh họa.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai mũi họng, Đại học Y Hà Nội cho biết: Người là đối tượng tự nhiên, duy nhất mang mầm bệnh, bao gồm người bệnh và người lành mang trùng (mang vi trùng nhưng không mắc bệnh, vi trùng thường trú ở vùng họng mũi).

Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Thường xảy ra ở những nơi đông người, điều kiện sống chật chội, kém vệ sinh và bệnh thường xuất hiện theo mùa.

Bệnh não mô cầu nguy hiểm ở chỗ chỉ sau vài tiếng đồng hồ, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm khuẩn. Để phòng bệnh, người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cũng đã phát đi thông báo cảnh báo đến người dân và nhấn mạnh, viêm màng não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng, có thể lấy đi sinh mạng của trẻ nhỏ đang khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ sau những triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng bệnh viêm màng não mô cầu bằng: 

1.Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. 

2.Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. 

3.Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. 

4.Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Theo Giadinhmoi.vn

BẢN DESKTOP