Khoa học & Công nghệ

Vì sao trẻ thích ngủ trên vai mẹ?

Thực tế cho thấy nhiều cha mẹ rất khó cho con họ ngủ trong nôi, cũi hay trên những bề mặt phẳng. Vậy tại sao những đứa trẻ lại cảm thấy thoải mái khi ngủ trên vai mẹ?
ngủ trên vai

Những đứa trẻ lại cảm thấy thoải mái khi ngủ trên vai mẹ (Ảnh minh họa).

Thường xuyên ôm ấp con trong giai đoạn đầu đời mang lại cho người mẹ cảm giác vô cùng thiêng liêng và tuyệt vời. Những đứa trẻ rất thích điều đó và không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa bé ngủ ngon lành trên vai mẹ. Hình ảnh này có khiến bạn băn khoăn và đặt ra câu hỏi là tại sao chúng lại thích ngủ trên vai mẹ như vậy?

Liệu điều đó có ẩn chứa điều kỳ diệu gì hay chỉ đơn thuần là bản năng của trẻ? Và quan trọng hơn là việc ngủ như vậy có an toàn với trẻ hay không nếu đó là điều chúng thích?

Thực tế cho thấy nhiều bậc cha mẹ rất khó cho con họ ngủ trong nôi, cũi hay trên những bề mặt phẳng. Vậy tại sao những đứa trẻ lại cảm thấy thoải mái khi ngủ trên vai mẹ?

Chia sẻ với Parenting, bác sĩ y khoa Seema Csukas đã cho biết, trẻ sơ sinh thích ngủ trên vai vì mùi cơ thể của người mẹ. Bà giải thích rằng những đứa trẻ mới sinh có khứu giác rất phát triển, rất nhạy cảm với mùi và mùi mà chúng yêu thích nhất là mùi của mẹ. Đó là lý do giải thích tại sao một bộ đồ ngủ có mùi của bạn cũng đủ để dỗ dành trẻ khi bạn không ở bên cạnh chúng.

Một điều thú vị nữa là trẻ cũng rất thích âm thanh của mẹ. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ cũng đã chỉ ra rằng bộ não của trẻ sơ sinh thực chất phát triển rất sớm để phản ứng lại việc nghe thấy nhịp tim và tiếng hát ru của mẹ.

GS Marianne Neifert làm việc tại Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cho biết, trẻ thích ngủ trên vai bạn vì vai bạn tạo ra sự thoải mái cho bé đặc biệt là khi chúng có vấn đề về dạ dày. Bà giải thích thêm rằng, những đứa trẻ bị chứng trào ngược hay bị đầy hơi sẽ cảm thấy tốt hơn khi ngủ trong tư thế thẳng đứng trên vai bạn đặc biệt là ngay sau khi ăn.

Việc giữ bé ở tư thế này trong ít nhất 20 phút sau khi ăn sẽ giúp các bé ợ hơi và ổn định lại dạ dày. Bà cũng khuyên các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ nếu con bạn có vấn đề với giấc ngủ hoặc bị trào ngược khi ăn uống.

ngủ trên vai

AAP khuyên bạn nên đặt chúng ngủ ở một nơi an toàn như nôi hay cũi ngay khi chúng buồn ngủ (Ảnh minh họa).

Học viện Nhi khoa Mỹ còn cho biết thêm, việc da tiếp da với trẻ sơ sinh còn giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bé và hỗ trợ cho việc cho con bú. Nhưng tổ chức này cũng khuyến cáo rằng việc ôm ấp trẻ khi ngủ là không an toàn bởi nó có thể tăng hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hoặc có thể khiến trẻ bị ngộp thở.

Các khuyến nghị về giấc ngủ an toàn được công bố của AAP cũng khuyên các bậc cha mẹ nên đặt con ngủ ở những nơi bằng phẳng và an toàn ngay khi chúng buồn ngủ.

Trên thực tế, điều này nhiều khi rất khó thực hiện vì trẻ sơ sinh thường khó dỗ dành và đặc biệt là rất khó để bạn có thể đặt bé ngủ trong nôi, cũi hay những bề mặt phẳng. Và kết quả là các bậc cha mẹ thường cố gắng làm bất cứ điều gì để khiến chúng dịu đi và giúp chúng ngủ ngon.

Nếu con bạn thích ngủ trên vai bạn, bạn phải tìm cách thay đổi tư thế để đảm bảo an toàn cho chúng và vừa có thể giúp chúng có được giấc ngủ dài hơn.

AAP khuyên các bậc cha mẹ nên đặt trẻ ngủ trên mặt bề mặt phẳng kể cả khi chúng ngủ những giấc ngắn. Nếu bé thiếp đi trên tay bạn, AAP khuyên bạn nên đặt chúng ngủ ở một nơi an toàn như nôi hay cũi ngay khi chúng buồn ngủ.

Những trang tin về giấc ngủ trẻ em cũng gợi ý các bậc cha mẹ nên ngừng thói quen “ngủ trên vai mẹ” khi bé được khoảng 3-4 tháng tuổi bằng cách chuyển chúng ngủ ở những nơi bằng phẳng và an toàn ngay khi thấy bé buồn ngủ. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ em (SIDS) và tránh cho trẻ bị ngộp thở.

Bên cạnh đó, việc ngưng cho bé ngủ trên vai sớm không chỉ giúp ngăn ngừa việc hình thành thói quen ngủ trên vai mẹ của trẻ – điều mà có thể khiến trẻ khó ngủ ở bất cứ chỗ nào khác mà còn giúp cho cả mẹ và bé đều có thể ngủ được những giấc dài và sâu hơn.

Nếu bạn nghi ngờ con mình bị mắc chứng trào ngược hay đầy hơi, AAP cũng khuyên rằng nên cho trẻ ăn trước giờ ngủ khoảng 20-30 phút và bạn nên giữ bé trong tư thế thẳng đứng trước khi đặt bé xuống ngủ trong nôi hay cũi.

Theo Kiều Oanh – Henilo/ Romper

BẢN DESKTOP