Khoa học & Công nghệ

Vì sao không nuôi tôm hùm đất làm thực phẩm?

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Trong khi tôm hùm đất có giá bán khá cao, là loại thực phẩm nhiều người ưa thích thì các cơ quan chức năng vẫn quyết định tiêu hủy. Vì sao vậy?

Đặc sản gây hại

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã gửi công văn hoả tốc yêu cầu kiểm tra hệ thống siêu thị, cửa hàng thủy sản, nhà hàng, khách sạn tại các thành phố lớn để xử lý nghiêm nếu phát hiện việc tiêu thụ tôm hùm đất. Trước thông tin tôm hùm đất Trung Quốc ồ ạt tràn sang, Bộ NN&PTNT đã gửi công văn hoả tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát loài này, vì đây là sinh vật ngoại lai xâm hại, không có tên trong danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. 

Khảo sát gần đây cho thấy, tôm hùm đất được bán tràn lan tại Việt Nam, giá bán lẻ 350.000-500.000 đồng một kg. Các cơ sở cho biết tôm hùm đất được bắt tại các vùng biển Việt Nam, nhưng trên thực tế đa phần nhập về từ Trung Quốc, Mỹ. Theo GS Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, từ năm 2013, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đã cấm nhập khẩu và nhân nuôi tôm hùm đất. 

Hiện ở Việt Nam, duy nhất Viện nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản I được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu. Nhà hàng, quán ăn nhập tôm hùm đất đông lạnh về chế biến vẫn phải chứng minh được xuất xứ nguồn gốc và phải được hải quan và Cục Thú y Việt Nam cho phép. Ngược lại, những đơn vị nhập lậu theo đường tiểu ngạch, không được kiểm định thì vẫn bị xử phạt theo quy định dù tôm hùm đất còn sống hay đã chết. Tới đây sẽ phải cấm tuyệt đối việc sử dụng tôm hùm đất làm đặc sản

Tàn phá môi trường kinh khủng

GS Đặng Huy Huỳnh cho biết, tôm hùm đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất có nhiều tên tiếng Anh như: Crawfish, Crayfish, Crawdads, Mudbugs, Red Swamp Crayfish. Loài này có nhiều ở Louisiana (Mỹ) nên còn gọi là Louisiana Crayfish. Chúng sống cả trên cạn và dưới nước. Chúng thuộc nhóm sinh vật ngoại lai, không có giá trị kinh tế cao và còn phá hoại mùa màng. Chúng hay đào hang, làm hỏng đê điều. Vì là giống ăn tạp, nên tôm hùm đất có khả năng thích nghi tốt với môi trường, dẫn tới có thể phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.

Cách đây 2 năm, ở tỉnh Đồng Tháp, một Việt kiều đưa tôm hùm đất về làm du lịch, nhờ nông dân địa phương đưa vào nuôi khu vực quy mô 2 ha nhưng sau đó chúng tràn ra phá hết, tiêu diệt cả những con cá to bằng ngón tay. Sự việc sau đó đã được ngăn chặn nhưng gần đây, tôm hùm đất xuất hiện trở lại dưới dạng thương mại và được nhập ồ ạt vào Việt Nam với số lượng tăng mạnh.

Nguy hại của tôm hùm đất là chúng sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến... Trong môi trường, chúng sẽ tiêu diệt hết các loại cá, tôm khác, làm cây cối, hoa màu chết. Vòng đời ngắn, sinh sản nhanh, nên chỉ một thời gian ngắn chúng sẽ chiếm lĩnh môi trường sống của các loài khác.

“Nhiều người cho rằng nếu có thể sử dụng làm thực phẩm thì sao không nuôi khoanh vùng? Thực tế, nếu cho phép nuôi một loài ngoại lai thì chắc chắn chúng sẽ tàn phá môi trường nghiêm trọng, dù là nuôi ở hình thức nào. Cách duy nhất ngăn chặn là cấm hoàn toàn việc nhân nuôi và sử dụng làm thực phẩm từ tôm hùm đất, không cho phép bán, trao đổi, giao lưu trên thị trường”, GS Đặng Huy Huỳnh cho biết.

“Trước đây, ốc bươu vàng cũng tưởng là một nguồn thực phẩm dồi dào do sinh sản rất nhanh, nhưng rồi chúng ta phải mất rất nhiều công sức tiền của để tận diệt”, GS Đặng Huy Huỳnh.

Hà Bình

BẢN DESKTOP