Khoa học & Công nghệ

Vì sao kẻ phê ma túy lại có hành vi ngáo đá?

Ngáo đá là tình trạng rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy đá dẫn đến mất kiểm soát hành vi, gây rối nơi công cộng, thậm chí gây án mạng.
ngáo đá

Khi người nghiện bị ngáo đá thường có cảm giác hoang tưởng.

Ma túy đá hay chấm đá, hàng đá là tên thường gọi của loại ma túy tổng hợp có chứa methamphetamin (một chế phẩm của amphetamine – ATS). Hầu hết người sử dụng ma túy đá mang lại cảm giác hưng phấn chơi “phê” hơn hoặc tỉnh táo trong thời gian dài để làm việc lâu hơn. Đồng thời nó cũng dẫn đến hành vi ngáo đá.

Thực tế sau khi hút, hít hoặc tiêm ma túy đá, người ta không cần ngủ mà vẫn có vẻ tỉnh táo và tràn đầy sinh lực. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo sử dụng loại ma túy này lâu dài có thể dẫn đến lệ thuộc, làm con người không thể duy trì được các hoạt động hàng ngày. Ma túy đá có khả năng kích thích khiến cơ thể luôn ở trong tình trạng hoạt động tăng tốc hết công suất nên dễ gây kiệt sức ở các bộ phận, gây đột quỵ, suy gan, suy tim. Nếu ngưng sử dụng chất này, con nghiện không thể cảm thấy bất kỳ một thứ niềm vui nào trong cuộc sống, bị hoang tưởng, điên dại trong vài tuần và mất hẳn trí nhớ.

Trong tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng aphetamine, Bộ Y tế cảnh báo việc sử dụng ma túy đá thường dẫn đến các rối loạn tâm thần, ngộ độc cấp, hội chứng nghiện, hội chứng quên, nghiêm trọng hơn là tình trạng rối loạn tâm thần di chứng và khởi phát muộn dẫn đến rối loạn nhân cách, rối loạn hành vi, mất trí, trạng thái loạn thần xuất hiện muộn.

Khi con nghiện “đập đá”, tức là hút hoặc tiêm ma túy đá, chất methamphetamin sẽ đi thẳng vào não có thể gây nhiễm độc cấp với triệu chứng thường gặp nhất là tăng khoái cảm, tăng năng lượng, hưng phấn quá mức đi cùng với cảm giác lo âu, bồn chồn, ảo giác (ảo thị, ảo thanh). Kẻ ngáo đá thường có cảm giác hoang tưởng về việc bị ai đó theo dõi hoặc truy sát nên dễ dẫn đến hành vi công kích, gây hấn, tấn công người khác. Vậy cần phải nhận biết kẻ ngáo đá như thế nào?

Về cơ bản, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân loạn thần do ma túy đá, hay còn gọi là ngáo đá thường trải qua các giai đoạn:

– Từ một đến 3 ngày đầu: Bệnh nhân bị chứng hoang tưởng. Thường gặp nhất là hoang tưởng bị truy hại, bị theo dõi, có thể gặp hoang tưởng liên hệ, bị chi phối, hiếm gặp hơn là hoang tưởng tự cao, hoang tưởng phát minh… Tình trạng này thường xuất hiện bán cấp ở bệnh nhân sử dụng ATS lâu ngày hoặc nghiện ATS. Đôi khi hoang tưởng xuất hiện cấp diễn trong các trường hợp ngộ độc.

Ngoài ra bệnh nhân còn bị ảo giác, thường gặp nhất là ảo thanh, ảo thị. Ít gặp hơn là ảo xúc, ảo khứu… Họ còn bị rối loạn cảm xúc và hành vi do bị chi phối với chứng hoang tưởng, ảo giác. Ngoài ra còn xuất hiện các triệu chứng cơ thể như đau đầu, đau cơ, bồn chồn, bứt rứt…

– Từ ngày thứ tư trở đi, thông thường các triệu chứng loạn thần sẽ giảm dần dưới tác dụng của điều trị. Nếu hoang tưởng, ảo giác hết ngay sau 3 ngày điều trị thì đó là hoang tưởng cấp diễn trong ngộ độc ATS. Thường sau khi giảm hoặc ngừng sử dụng ATS từ một đến 3 ngày, bệnh nhân sẽ bị hội chứng cai như rối loạn khí sắc (buồn hoặc mất khoái cảm), mất ngủ hoặc ngủ lịm và mệt mỏi, chậm chạp hoặc kích động tâm thần vận động, cảm giác thèm khát với một chất kích thích, tăng khẩu vị, có những giấc mơ khó chịu hoặc kỳ quặc.

– Sau khi giảm hoặc ngừng sử dụng ma túy đá, bệnh nhân thường xuất hiện hội chứng trầm cảm. Lúc này cần điều trị cách ly và giám sát, không để họ tái sử dụng ATS, đồng thời áp dụng thêm liệu pháp tâm lý đối với bệnh nhân và gia đình. Các thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng là mirtazapine uống từ 15-30 mg mỗi ngày hoặc sertraline 50 mg mỗi lần, từ một đến 2 lần trong ngày. Cũng có thể dùng thuốc chống trầm cảm khác thuộc nhóm SSRI. Ngoài ra còn có thuốc giải lo âu như diazepam uống hoặc tiêm bắp 5 mg mỗi lần, từ một đến 2 lần trong ngày.

Việc điều trị loạn thần do ma túy về nguyên tắc là điều trị triệu chứng và các bệnh cơ thể (nhiễm virus viêm gan B, C, HIV) song song với tư vấn tâm lý. Nhiễm độc do ma túy ATS chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, về cơ bản cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo hô hấp, tuần hoàn cho bệnh nhân. Cần tăng thải trừ bằng truyền các dung dịch glucose, bù nước điện giải, cân bằng kiềm toan, bù vitamin. Trường hợp nặng cần chuyển đến chuyên khoa chống độc, điều trị tích cực, cấp cứu… Bác sĩ có thể chỉ định cho dùng thuốc chống loạn thần nếu bệnh nhân trong trạng thái kích động hoặc không hợp tác điều trị.

Các triệu chứng loạn thần thường mất đi sau một đến 2 tuần. Thuốc được giảm dần liều và dừng sử dụng khi các triệu chứng trên hết hẳn. Kiểm soát thân nhiệt đối với bệnh nhân loạn thần do ma túy tổng hợp cần áp dụng các biện pháp vật lý như chườm mát, không nên dùng các thuốc hạ sốt trong trường hợp tăng thân nhiệt do ma túy gây ra.

Trong thời gian điều trị, cơ sở khám chữa bệnh cần quản lý chặt chẽ không để bệnh nhân có cơ hội tái sử dụng ATS. Sau khi ra viện, họ về với gia đình song cần theo dõi tiếp bởi các nhân viên phòng chống ma túy và trạm y tế của xã, phường, thị trấn, tránh xảy ra tình trạng tái nghiện.

Nhiều nghiên cứu cho thấy sự tham gia của gia đình sẽ giúp người nghiện ma túy theo đuổi điều trị hiệu quả hơn. Đặc biệt các thành viên gia đình có vai trò rất quan trọng trong thời gian đầu của quá trình phục hồi người nghiện dễ bị suy giảm nhận thức và bị trầm cảm khiến họ khó tuân thủ điều trị.

Theo Thi Trân – VnExpress

BẢN DESKTOP