Khám phá

Vì sao Hồ Quý Ly truyền ngôi cho Hồ Hán Thương

Vì sao Hồ Quý Ly truyền ngôi cho Hồ Hán Thương chứ không phải cho người con trưởng là Hồ Nguyên Trừng? Có phải vì Hồ Hán Thương là cháu ngoại vua Trần Minh Tông.

Đình Long Ân (Diễn Châu, Nghệ An) thờ Hồ Hán Thương và mẹ là công chúa Huy Ninh.

Họ Lê của Hồ Quý Ly

Hồ Quý Ly trước có tên là Lê Quý Ly, tự Lý Nguyên, sinh năm Ất Hợi (1335), quê Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa); tổ tiên là Hồ Hưng Dật, vốn người Chiết Giang, Trung Quốc, thời Hậu Hán sang làm Thái thú Châu Diễn (Nghệ An).

Thời loạn mười hai sứ quân, họ Hồ dời vào hương Bào Đột (Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) và trở thành một trại chủ. Đời cháu thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến hương Đại Lại, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Huấn.

Hồ Quý Ly thuở nhỏ theo học võ Nguyễn Sư Tề, sau đỗ thi Hương, rồi đỗ khoa Hoành từ. Hai chị em người cô của Hồ Quý Ly đều làm cung nhân của vua Trần Minh Tông; bà Minh Từ sinh ra Trần Nghệ Tông, vua thứ 8 (1321 -1394); bà Đôn Từ sinh ra Trần Duệ Tông, vua thứ 9 (1337 – 1377), theo ngôi thứ, thì cả Nghệ Tông và Duệ Tông là em con cô của Hồ Quý Ly.

Triều Trần bắt đầu suy vi từ năm 1369, khi vua Trần Dụ Tông, vua thứ 7 (1336 -1369) mất. Do không có con, nên ra chiếu cho “đứa con hư” là Nhật Lễ của cố Cung Túc Đại vương Trần Dục lên ngôi, nhưng năm 1370 bị tôn thất và các quan làm binh biến, bắt giết, đưa Trần Nghệ Tông lên ngôi.

Trở thành em rể của vua

Trần Nghệ Tông rất tín nhiệm Quý Ly, đã trao cho ông làm Khu mật viện đại sứ và lại gả em gái vừa góa chồng là công chúa Huy Ninh cho.

Hồ Quý Ly lúc này vừa là anh vừa là em Nghệ Tông và từ đó luôn được “ông em họ, ông anh họ” trọng dụng, tháng  9 năm 1371, gia phong làm Trung Tuyên Quốc thượng hầu.

Tháng 11 năm 1372, Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Kính, tức Trần Duệ Tông để làm Thái thượng hoàng. Trần Duệ Tông lấy Hồ Quý Ly làm Tham mưu quân sự, năm 1377 Duệ Tông tử trận khi đi đánh Chiêm Thành, Nghệ Tông cho lập con trưởng của Duệ Tông là Kiến Đức Đại vương Trần Hiện 17 tuổi lên làm vua, tức Trần Phế Đế (vua thứ 10).

Vương triều Trần từ đây trượt dài trên con đường suy tàn. Vua Chiêm biết nhà Trần suy nhược nên liên tục phát binh Bắc tiến. Trong các trận đương đầu chống giặc, Quý Ly được giao chỉ huy một số trận đánh chống lại quân Chiêm, có thắng nhưng cũng nhiều lần thua. Tuy nhiên vẫn được bổ nhiệm chức tước cao hơn.

Năm 1379, Quý Ly lại được vua lấy làm Tiểu tư không kiêm Hành khu mật đại sứ như cũ. Trong khi đó, ở phía Bắc, nhà Minh nhiễu nhương, năm 1384 đánh vùng Vân Nam, sai người sang Đại Việt đòi lương thực cấp cho quân lính ở Lâm An…

Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tuy nắm giữ đại quyền, nhưng việc gì cũng do Quý Ly quyết định. Quý Ly tìm cách phát triển thế lực riêng, trong khi đó Nghệ Tông không hề nghi ngại. Lòng các quan lại, tôn thất phần nhiều chán nản, rã rời, nhiều người biết trước Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần.

(còn nữa)

Nguyễn Trung Thành

BẢN DESKTOP