Doanh nghiệp

Vì sao chủ dự án Động Thiên Đường bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt?

  • Tác giả : Minh An
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (Tập đoàn Trường Thịnh, sau đây viết tắt là Trường Thịnh ).

Ngày 15/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 167/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh 85 triệu đồng do không công bố thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Chân dung chủ tịch tập đoàn Trường Thịnh

Chân dung chủ tịch tập đoàn Trường Thịnh

Không công bố thông tin định kỳ

Cụ thể, Tập đoàn Trường Thịnh không công bố thông tin định kỳ với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội các tài liệu: Báo cáo tài chính năm 2020, Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020.

Ngày 7/12/2020, Tập đoàn Trường Thịnh phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, đã thanh toán trước hạn trong tháng 12/2022.

Tập đoàn Trường Thịnh, tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh, được thành lập năm 1994. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật Tập đoàn Trường Thịnh là ông Võ Minh Hoài (sinh năm 1958, quê xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Sau gần 30 năm hoạt động, Trường Thịnh không chỉ là tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực xây dựng - giao thông - công trình dân dụng, mà còn là nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp.

Một số dự án Trường Thịnh tham gia có thể kể đến như: Gói thầu R1 thuộc Dự án Hành lang Đông - Tây đường Xuyên Á (Quảng Trị), thi công đoạn Nam cầu Xuân Sơn - Bắc cầu Đá Mài thuộc dự án đường Hồ Chí Minh, thi công dự án QL12C nối cảng Vũng Áng với biên giới Việt - Lào, dự án nâng cấp QL12A, dự án XD QL4G-Sơn La, các gói thầu thuộc dự án cải tạo, nâng cấp QL279 - Lạng Sơn...

Trường Thịnh cũng làm loạt dự án xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT như: Dự án BOT đường tránh TP Đồng Hới (hoàn thành năm 2010), BOT mở rộng QL1 đoạn từ TP Đông Hà đến TX Quảng Trị (hoàn thành năm 2014). Gần đây nhất là dự án BOT QL1 đoạn Quảng Ninh - Lệ Thủy (đường tránh khu vực ngập lụt) và Dự án BOT nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Gio Linh - TP Đông Hà.

Đặc biệt, Trường Thịnh cũng là đơn vị triển khai thi công dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, được bàn giao tháng 7/2021 với tổng mức đầu tư gần 11.500 tỷ đồng và tham gia với tư cách là nhà thầu chính các gói thầu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Đối với dự án Sun Spa Resort, tập đoàn này bắt đầu đầu tư từ năm 2002. Đến tháng 12/2004, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành và chính thức khai trương đưa vào hoạt động với 234 phòng nghỉ tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.

Cũng trong năm 2010, Trường Thịnh đưa vào khai thác Khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường.

Tháng 7/2020, Tập đoàn Trường Thịnh được phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Dự án này có quy mô 164,75 ha, tiêu chuẩn sân golf 36 lỗ, đạt đẳng cấp quốc tế với vốn đầu tư 800 tỷ đồng, thời hạn 50 năm.

Bên cạnh đó, Trường Thịnh đang đầu tư xây dựng những dự án trong lĩnh vực bất động sản như: khu đô thị mới Bảo Ninh, TP Đồng Hới với số vốn đầu tư hơn 650 tỷ đồng; khu nghỉ dưỡng tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Trị hơn 500 tỷ đồng.

Với lĩnh vực thủy điện, Trường Thịnh có các dự án như tại tỉnh Quảng Bình: Công trình thủy điện La Trọng - Sông Gianh 1, thủy điện Kim Hóa, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) và thủy điện Khe Rôn, xã Lê Hóa (Tuyên Hóa).

Vốn lớn, lợi nhuận nhỏ giọt

Hiện tại, Tập đoàn Trường Thịnh có 16 công ty thành viên như: Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Trường Thịnh 5, Công ty TNHH MTV BOT Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Du lịch Suối Bang Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Trường Thịnh Golf & Resort, Công ty TNHH MTV Xây lắp Trường Thịnh, Công ty TNHH BOT Đường tránh TP Đồng Hới, Công ty TNHH BOT Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh…

Kết quả kinh doanh năm 2022 của tập đoàn Trường Thịnh

Kết quả kinh doanh năm 2022 của tập đoàn Trường Thịnh

Với vốn điều lệ ban đầu 4,5 tỷ đồng, đến tháng 6/2020, Trường Thịnh tăng vốn điều lệ lên 2.619 tỷ đồng.

Tuy sở hữu hàng loạt dự án lớn và hoạt động kinh doanh đa ngành nghề và vốn điều lệ lớn, song kết quả lợi nhuận của Tập đoàn Trường Thịnh được đánh giá là không xứng tầm quy mô.

Theo đó, lợi nhuận của Tập đoàn Trường Thịnh không mấy ổn định mà biến động khá bất thường khi năm 2016 và 2017 chỉ lãi vỏn vẹn 1,1 tỷ và 1,8 tỷ đồng; sang năm 2018 lãi tăng vọt lên gần 60 tỷ đồng nhưng lại lao dốc xuống 1,1 tỷ đồng năm 2019.

Đến năm 2020, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trường Thịnh đạt đỉnh cao nhất với gần 118 tỷ đồng, nhưng lại suy giảm xuống còn 25 tỷ trong năm 2021.

Gần nhất, năm 2022, Trường Thịnh lãi gần 68 tỷ đồng, gấp 2,7 lần năm trước. Tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ vỏn vẹn 0,03%, hiệu suất sinh lời rất thấp.

Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả của Tập đoàn Trường Thịnh gấp 1,48 lần vốn chủ sở hữu, tức chiếm gần 4.000 tỷ đồng.

Minh An

BẢN DESKTOP