KINH TẾ

Vì sao các ngân hàng thoái vốn tại công ty tài chính

  • Tác giả : Quốc Trọng
(khoahocdoisong.vn) - Trước tác động khó khăn từ dịch bệnh, ngân hàng muốn cơ cấu lại hoạt động theo hướng tinh gọn hơn, dành nguồn lực tài chính cho những lĩnh vực cốt lõi đang cần vốn đầu tư nhiều hơn.

Gần đây, các ngân hàng liên tục lên kế hoạch bán vốn, thậm chí thoái toàn bộ vốn tại các công ty tài chính. 

Đầu quý II vừa qua, VPBank đã bán thành công 49% vốn FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) – công ty con do SMBC sở hữu 100% vốn. Trong thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD. 

MSB cũng đang dự tính bán toàn bộ 100% vốn Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM), thay vì mức 50% như dự kiến trước đó.

SHB cho biết đang thực hiện kế hoạch thoái vốn khỏi Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHBFC). Ngân hàng đã lựa chọn hai, ba đối tác nước ngoài lớn để đàm phán thoái vốn.

Việc các ngân hàng liên tục thoái vốn tại các công ty tài chính được cho là để cơ cấu lại hoạt động, đồng thời có thêm nguồn vốn để nâng cao năng lực tài chính.

Cụ thể, theo TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, sự thay đổi này tuỳ theo chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong mỗi giai đoạn. Có thể thời điểm này, trước tác động khó khăn từ dịch bệnh, ngân hàng muốn cơ cấu lại hoạt động theo hướng tinh gọn hơn, dành nguồn lực tài chính cho những lĩnh vực cốt lõi đang cần vốn đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, việc bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể là để nâng cao năng lực tài chính, qua đó là năng lực cạnh tranh của các công ty tài chính. Cũng có trường hợp ngân hàng thấy có nhà đầu tư quan tâm, trả giá tốt thì họ tận dụng cơ hội bán đi.

Ông Thành nhận định, tiềm năng của tài chính tiêu dùng Việt Nam là khá lớn, tỷ trọng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn khá thấp khi so với các nước trong khu vực ASEAN. Có thể giai đoạn này kinh tế khó khăn nhu cầu vay vốn tiêu dùng giảm, nhưng khi kinh tế hồi phục sau thời kỳ hậu Covid-19, thu nhập của người dân Việt Nam được cải thiện, nhu cầu vay tiêu dùng tiếp tục tăng.

Đồng thời, việc để các doanh nghiệp tài chính tiêu dùng tiếp cận với doanh nghiệp tài chính tiêu dùng trong nước cũng là bước đi ngắn nhất để doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận với thị trường Việt Nam, cùng với đó là những tiến bộ công nghệ, cách quản trị bài bản,  mạng lưới hoạt động rộng để nâng cao vị thế và chất lượng các công ty tài chính trong nước.

Quốc Trọng

BẢN DESKTOP