Dinh dưỡng

Vì sao ăn đặc sản cá ủ chua có thể dẫn tới tử vong?

  • Tác giả : Thúy Nga
1 người tử vong và 10 người đang phải thở máy do ăn đặc sản cá chép ủ chua, vậy phải làm gì để phòng tránh.

Những ngày gần đây, nhiều người dân ở 2 xã Phước Đức và Phước Kim thuộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam phải nhập viện cấp cứu do ăn cá chép ủ chua theo kiểu truyền thống. Các vụ ngộ độc thực phẩm này đã làm 1 người tử vong, 10 người hiện đang phải thở máy.

Trước đó, ngày 10/3, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền múi phía Bắc tiếp nhận 5 bệnh nhân đầu tiên, trong đó có 1 người tử vong, 3 người nguy kịch.

Đến ngày 16/3, thêm 5 người dân ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn bị ngộ độc thực phẩm phải đi cấp cứu liên quan đến món cá chép ủ chua, món ăn truyền thống của người dân địa phương.

Theo nhiều người dân kể lại, 5 người dân tổ chức ăn trưa tại rẫy keo. Bữa trưa của họ gồm cơm, cá chép ủ chua và chim nướng.

Đến 19 giờ ngày 16/3, một người trong nhóm kêu đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Tiếp đó, ba người khác cũng có biểu hiện tương tự, họ được đưa đến Bệnh viện đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc Botulism. Riêng một người trong nhóm này vẫn bình thường và cho biết không ăn món cá ủ chua.

Được biết, những người ngộ độc thực phẩm đều là người dân tộc Gié Triêng.

Bệnh nhân bị ngộ độc khi ăn cá chép ủ chua

Bệnh nhân bị ngộ độc khi ăn cá chép ủ chua

TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, nguyên nhân là do món cá bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum nên gây ra ngộ độc.

Vi khuẩn Clostridium botulinum tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và có thể lẫn trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, lúc này vi khuẩn ở dạng có vỏ bọc chịu đựng tốt với đun nấu thông thường (gọi là bào tử).

Vi khuẩn có đặc điểm kỵ khí (chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí), không phát triển được trong môi trường chua (pH<4,6), mặn (nồng độ muối ăn >5%).

Như vậy, các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn (quy trình sản xuất không đảm bảo), sau sản xuất thực phẩm được đóng gói kín như chai, lọ, hộp, lon, túi, trong khi đó không đủ độ chua, độ mặn như trên thì rõ ràng tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum.

Đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm, trước đây hay gặp ngộ độc thịt hộp, tuy nhiên các thực phẩm khác như rau, củ, quả, thịt, hải sản,… nếu được sản xuất chế biến và bảo quản không đúng cách đều có thể gây ngộ độc độc tố Clostridium botulinum.

Ông Hồ Văn Điền - chủ tịch UBND xã Phước Đức (nơi xảy ra vụ ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua đầu tiên) cho biết, cá muối ủ chua người dân tự làm, là món đặc sản của người dân ở đây từ xưa đến giờ.

Cách thức làm món này là cá được làm sạch, chặt khúc, ướp muối, trộn với cơm nguội rồi bỏ vào hũ để ủ chua.

"Hơn mười ngày sau thì cá chín, có thể ăn được. Tùy theo cách ăn, có người để nguyên vậy ăn hoặc sẽ hâm nóng, nấu chín. Không riêng gì cá, người dân còn dùng thịt heo, da trâu, bò để ủ chua" - ông Điền nói.

Để giảm thiểu, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, ngành y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân:

- Không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua.

- Không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng,...; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép ủ chua, ….

- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng...; không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng.

- Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

- Kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Người dân cần có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm có độc tố có thể gây tử vong nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có độc tố, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP