Dữ liệu y khoa

Vi phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm điều trị thoát vị đĩa đệm

  • Tác giả : Khánh Phương
(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện Quốc tế City (CIH) vừa tiếp nhận điều trị  cho bệnh nhân 35 tuổi, bị thoát vị đĩa đệm. Theo các bác sĩ, khi bị thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, hẹp ống sống... nếu uống thuốc hoặc phục hồi chức năng không khỏi sau 1 - 2 tháng, cần khám chuyên khoa phẫu thuật thần kinh.

BSCKII Lê Trọng Nghĩa, Khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, trước đó sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Khoảng 1 tháng trước phẫu thuật, bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng, vùng mông và lan xuống chân trái. Tình trạng đau ngày càng tăng dần. Bệnh nhân có đi khám và uống thuốc giảm đau nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm.

Phương pháp vi phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam và trên thế giới trong điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng.

 Phương pháp vi phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam và trên thế giới trong điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng.

Trước phẫu thuật 2 ngày, bệnh nhân đi lại khó khăn, bàn chân yếu nhẹ. Sau khi thăm khám với bác sĩ ngoại thần kinh, bệnh nhân được chỉ định chụp MRI và các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh S1 bên trái.

Bệnh nhân quyết định nhập viện phẫu thuật can thiệp bằng phương pháp vi phẫu thuật lấy nhân đĩa đệm. Đây là phương pháp được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam và trên thế giới trong điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Ngoài ra, bệnh nhân còn được điều trị phối hợp nhiều bước từ chuẩn bị trước mổ, kỹ thuật mổ và điều trị sau mổ trong quy trình ERAS (Enhanced Recovery After Surgery) đối với phẫu thuật cột sống.

Sau phẫu thuật bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hồi phục nhanh, có thể đi lại vận động sinh hoạt bình thường và xuất viện vào ngày hôm sau.

Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một trong những bệnh gặp nhiều ở nước ta. 80% dân số có ít nhất 1 khoảng thời gian bị đau lưng, có đến 30% dân số mắc phải căn bệnh này và đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở lứa tuổi từ 25 - 55 tuổi.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm gồm: Thường xuyên mang vác vật nặng trên cổ, lưng; tư thế khuân vác sai cách làm chệch đĩa đệm. Nhiều bệnh nhân có thói quen đứng rồi cúi xuống để nhấc vật nặng đột ngột thay vì ngồi xuống bê vật nặng rồi từ từ đứng lên, điều đó dễ gây chấn thương cột sống lưng và ảnh hưởng đến đĩa đệm, ngoài ra chấn thương cột sống sau tai nạn giao thông; tai nạn lao động cũng có thể gây thoát vị đĩa đệm.

Nguyên nhân thường gặp khác là thoát vị đĩa đệm do thoái hóa cột sống khi lớn tuổi. Khi các lớp dây chằng và vòng xơ (tương tự như sụn khớp) bị lão hóa dẫn đến biến đổi cấu trúc, xuất hiện các gai xương. Với tác động và sức ép của cơ thể, vòng xơ của đĩa đệm sẽ rách và lớp nhân bên trong thoát ra ngoài, gây chèn ép lên các dây thần kinh và tủy sống.

Các triệu chứng thường gặp của thoát vị đĩa đệm như đau nhức hoặc co cứng ở vị trí cột sống thắt lưng, tê bì, yếu cơ, sưng tấy hoặc mất cảm giác.  

BSCKII Lê Trọng Nghĩa khuyến cáo, người dân khi bị bệnh lý về cột sống cổ, cột sống thắt lưng như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, hẹp ống sống... nếu điều trị bằng thuốc, phục hồi chức năng sau 1 - 2 tháng không giảm hoặc có bớt nhưng sau một thời gian lại tái phát cần gặp các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh. Bệnh nhân sẽ được thăm khám và chỉ định phẫu thuật sớm để tránh gây biến chứng như: teo chân, tay chân yếu liệt không đi lại được. Khi bệnh chuyển biến nặng, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém hơn.

Khánh Phương

BẢN DESKTOP