Dữ liệu y khoa

Vi khuẩn HP gây teo đét niêm mạc dạ dày

  • Tác giả : Khánh Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Các số liệu thống kê cho thấy, cứ 1000 người dân thì có tới hơn 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP (Heclicobacter pylori). Tại TP HCM, 90% số người bị viêm dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP thực chất là gì ?

Loại vi khuẩn gây loét, ung thư dạ dày

Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày người, để tồn tại trong môi trường của axit dạ dày, chúng tiết ra một loại enzyme tên Urease giúp trung hòa độ axit trong dạ dày. Vi khuẩn này có thể sinh sống và phát triển trong lớp nhày trên bề mặt niêm mạc dạ dày, nó gây ra tình trạng viêm, còn gọi là viêm dạ dày mãn tính. Bên cạnh đó, vi khuẩn HP còn có thể gây ra những tổn thương khác như loét hoặc trong số ít trường hợp có thể phát triển thành ung thư dạ dày.

TS. BSCC Hoàng Đình Chân, nguyên giảng viên trường ĐH Y HN, GĐ Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, vi khuẩn HP khu trú ở dạ dày, dưới hành tá tràng, gây viêm teo đét niêm mạc dạ dày, đây là viêm nhiễm dễ dẫn đến tiền ung thư và vị trí thường ở tâm vị , dưới hành tá tràng. Từ lâu nhiều tác giả nhận thấy vai trò của HP được quy kết gây ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP gây biến đối cấu trúc hóa học của thức ăn, gây tổn thương tế bào niêm mạc dạ dày và gây ung thư. Ung thư dạ dày thường tập trung vào lứa tuổi 50-70, nam cao hơn nữ do nồng độ estrogen của nữ cao làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày đáng kể so với nam giới. Tuy nhiên, sau thời kỳ mãn kinh, estrogen suy giảm thì phụ nữ có thể phải đối mặt với nguy cơ gia tăng bệnh ung thư đại tràng, dạ dày như nam giới.

Kháng thuốc khiến chữa trị khó khăn

Theo các số liệu thống kê, một nửa dân số trên thế giới nhiễm vi khuẩn HP. Hầu hết người bệnh bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời mà không xuất hiện triệu chứng. Mặc dù tỷ lệ nhiễm khuẩn HP rất cao nhưng không gây ra các cơn đau dạ dày mãn tính như viêm dạ dày mãn hoặc loét dạ dày, chỉ 1% những người nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ gây ung thư. 

Mặc dù vậy, việc điều trị cho những người nhiễm vi khuẩn HP rất khó khăn bởi tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trở nên phổ biến và người bệnh không tuân thủ liều lượng, thời gian uống thuốc, tự ý thay đổi đơn thuốc của bác sĩ đã dẫn đến tình trạng vi khuẩn HP kháng với nhiều loại kháng sinh, việc chữa trị trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian.

Theo nghiên cứu của BV K, có tới 200 loại HP khác nhau và chỉ có 1 số loại mang gen CagA có độc lực cao tăng nguy cơ ung thư. Những vi khuẩn này rất khó điều trị, dễ kháng thuốc, người bệnh uống kháng sinh trong vòng 7 ngày sau đó dễ tái phát bệnh. Vi khuẩn HP rất dễ lây lan trong gia đình qua đường ăn uống, nước bọt, phân, dịch tiêu hóa. Lây nhiễm còn xảy ra khi dùng thức ăn, nước uống không sạch, có chứa vi khuẩn. 

Khi nhiễm vi khuẩn HP, nếu người bệnh có viêm, loét dạ dày, tá tràng cần phải tiêu diệt HP để ngăn ngừa biến chứng ung thư dạ dày. Hiện nay nhiều bệnh viện đã làm được xét nghiệm vi khuẩn HP thuộc nhóm có độc lực mang gen CagA, vì vậy quá trình khám bệnh định kỳ người bệnh nên đến BV kiểm tra, tầm soát bệnh.

Đối với những người sau điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP, sau khi dừng thuốc 1 tháng nên đến viện kiểm tra lại để xem vi khuẩn đã được diệt trừ sạch hay chưa. Muốn xét nghiệm vi khuẩn HP có rất nhiều phương pháp, nhưng thường dùng trong lâm sàng là Urease test, test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân. Mỗi phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao tùy vào từng bệnh nhân cụ thể.

Vi khuẩn HP có thể lây qua đường ăn uống khiến nhiều người trong gia đình bị nhiễm và có thể mắc đi mắc lại nhiều lần. Ngoài ra, việc ăn mặn, ăn thực phẩm lên men, dưa muối, cà muối, thịt hun khói… khiến cho thực phẩm biến chất, tạo điều kiện cho vi khuẩn HP phát triển, dẫn đến nguy cơ ung thư dạ dày cao.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP