Dữ liệu y khoa

Vết loét và ung thư vòm họng

  • Tác giả : Hồng Loan
(khoahocdoisong.vn) - Ung thư vòm họng là bệnh lý khá phổ biến, tốc độ phát triển tương đối nhanh. Hiện nay, điều trị trúng đích ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể khỏi bệnh.

PGS.TS Nguyễn Đại Bình, Đại học Y Hà Nội cho biết, tại Việt Nam số người mắc ung thư đầu, mặt, cổ gặp khá nhiều, nổi bật là ung thư vòm họng, hạ họng - thanh quản, lưỡi, khoang miệng. Những người mắc bệnh thường trong độ tuổi 49 - 53 tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh phổ biến do virus EBV (Epstein Barr virus). Virus này nhiễm vào cơ thể, tồn tại lâu mà không gây xáo trộn gì. Qua thăm khám thấy những người có thói quen ăn cá muối khô từ nhỏ kích hoạt virus gây ung thư vòm họng vì trong cá muối khô có chứa nitrosamin, chất này lâu ngày có thể gây ung thư mạnh. Ở những người hút thuốc lá, uống rượu, tiếp xúc với bụi gỗ, ăn trầu, viêm nhiễm khoang miệng mãn tính... đều dễ mắc ung thư.

Dấu hiệu đầu tiên của ung thư vòm họng là vết loét lâu lành. Loét làm bệnh nhân đau liên tục hoặc khó chịu trong miệng. Quan sát thấy có đốm trắng hoặc đỏ trong miệng, những mảng này không nhất thiết là ung thư nhưng là dấu hiệu cảnh báo ung thư hoặc nhiễm nấm. Ung thư vòm họng thường gây đau, cảm giác nóng rát khi nhai và nuốt thức ăn. Đối với nam giới hút thuốc lá, uống rượu, có thể kèm theo giọng nói khàn, khó nói, khó phát âm. Một số người nổi u cục ở cổ, nếu là ung thư thì khối u sẽ lớn dần lên. Đi kèm các triệu chứng trên, người bệnh thường giảm cân, hơi thở hôi, xảy ra thường xuyên dù làm vệ sinh miệng nhiều lần trong ngày.

Tại Bệnh viện K, nhiều bệnh nhân ung thư vòm họng tới khám thường tưởng nhầm là viêm mũi, nhiệt miệng, điều trị Đông y thời gian dài không đỡ, được các bệnh viện đa khoa chuyển đến làm xét nghiệm mới biết mắc ung thư.

Theo các chuyên gia, ung thư vòm họng là nhóm ung thư xuất phát từ biểu mô dạng thượng bì, càng ít biệt hóa thì phát triển càng nhanh nhưng đáp ứng tốt với hóa -xạ trị. Nhóm ung thư này hay gây chảy máu, khó thở khẩn cấp đòi hỏi cấp cứu cầm máu, mở khí quản. Nhiều năm trở lại đây Bệnh viện K đã áp dụng điều trị trúng đích nhằm vào thụ thể yếu tố tăng sinh thượng bì EGFR nên ở giai đoạn sớm, điều trị tích cực, bệnh nhân có thể khỏi bệnh. Ở các giai đoạn sau, ung thư vòm họng có thể điều trị riêng biệt dựa vào xạ trị, hóa trị và thuốc chống virus. Sau điều trị cần theo dõi tái phát, dùng thuốc và thực phẩm chống lão hóa, chống viêm nhiễm mạn tính ngừa tái phát.

Để tránh ung thư vòm họng, nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ làm việc sinh hoạt hợp lý để nâng cao sức khỏe. Không hút thuốc lá, hạn chế bia, rượu, chất kích thích, hạn chế ăn các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối… Nên điều trị sớm những viêm nhiễm ở đường mũi họng. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng tai mũi họng như đau đầu kéo dài, xì máu mũi, ù tai, hạch cổ to… nên đi khám chuyên khoa sớm để được nội soi vòm, loại trừ bệnh.

Hồng Loan

BẢN DESKTOP