Đời sống

Về nhà là sung sướng nhất

là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu (69 tuổi, ngõ 88 Võ Thị Sáu, Hà Nội). Đã đi nhiều nơi, từng sống ở nước ngoài, nhưng với bà không gì hạnh phúc hơn là được về nhà.

Yêu thương con cháu hết lòng

Ngôi nhà của bà nằm trong con ngõ nhỏ, phía trước có hồ nước và nhiều cây xanh. Ngôi nhà nhỏ, chỉ có hai ông bà nhưng mang đầy dấu ấn của các con, các cháu. Từ những bức ảnh trên tường, những bức tranh dọc cầu thang, mỗi đồ vật là một kỷ niệm, một câu chuyện ấm áp và thân thương.

Căn phòng nhỏ trên tầng hai của anh thứ hai vẫn được giữ nguyên, từ sách vở, bàn học, cái ghế sofa cũ kỹ kéo ra để thành giường ngủ, đến những giấy khen, bằng khen và cả luận án tiến sĩ của anh vẫn được bà giữ gìn cẩn thận. Trên tầng 3 là hai phòng dành cho gia đình hai anh mỗi khi họ về đây.

Hai đứa cháu nội cuối tuần nào cũng về. Chúng nó vui lắm vì được ông bà yêu thương, bà thì nấu những món mà chúng thích, chơi với chúng, kể cho chúng nghe những câu chuyện về bố chúng hồi bé, còn ông thì dạy chúng đánh cờ, làm toán.

Đến cả hai đứa cháu sống bên Đức cũng luôn gần gũi bên ông bà qua những câu chuyện kể, những bức ảnh chụp cả đại gia đình.

Bà chia sẻ, dạy trẻ con là phải rất công phu. Trẻ con bây giờ tinh lắm, mình phải thương yêu, phải chuyện trò với nó, nói cho nó hiểu chứ không phải quát mắng hay ra lệnh.

Dạy cháu khác với dạy con vì với con thì mình có thể áp đặt, nhưng với cháu thì không thế được vì còn bố mẹ chúng nữa. Nhưng dạy cháu, chơi với cháu rất thích vì mình có kinh nghiệm, có kiến thức. Được nhìn đứa cháu từ lúc nó sinh ra, lớn lên từng ngày, như một mầm cây, là một điều hạnh phúc.

Với con, với cháu, phương châm của bà là thương yêu hết lòng. Khi con dâu trưởng sinh con, ông bà đã sang Đức để trông cháu. Tối bà ôm cháu ngủ để mẹ nó được ngủ đẫy giấc. Cháu được 3 tháng bà mới về.

Và năm nào ông bà cũng sang, không chỉ sang chơi mà còn để dạy cháu. Cháu 3 tuổi thì dạy chơi tam cúc. Chơi thạo thì dạy cờ tướng. Thạo cờ tướng thì dạy cờ vua. Đến giờ cả mấy đứa cháu đều rất giỏi cờ vua.

Vườn thuốc Nam trên sân thượng

Trong câu chuyện của ông bà, gia đình hai người con trai, những đứa cháu luôn là niềm tự hào, niềm vui. Bà Thu kể, ngày trước khó khăn, hai vợ chồng đều là giáo viên, nuôi dạy được hai anh con trai vất vả lắm. Nhưng được cái hai con đều ngoan ngoãn, học giỏi, thành đạt nhờ chính sức mình, nên ông bà rất yên tâm.

Thật vui, khi có những người bạn cũ, những người hàng xóm cũ giờ chuyển đi nơi khác, thỉnh thoảng đến thăm lại nhắc đến hai cậu con trai ngoan ngoãn, giỏi giang của ông bà.

Mối bận tâm của ông bà bây giờ là tập luyện và giữ gìn sức khỏe để con cái khỏi lo lắng. Sáng nào cũng vậy, hai ông bà ra công viên Tuổi trẻ tập aerobic khoảng 1 tiếng. Rồi về ăn sáng nhẹ nhàng, tưới cây, hái rau trên sân thượng, sau đó đi bơi.

Ăn uống thì đơn giản. Bữa cơm thanh đạm thường chỉ có rau luộc, lạc vừng, cá kho, đậu rán hay mấy con nhộng rang… Nhưng đặc biệt, bữa nào cũng có đĩa rau sống gồm toàn những rau gia vị có tinh dầu bà tự trồng: tía tô, kinh giới, diếp cá, húng quế, húng chanh, xương xông, lá lốt, lá mơ, rau răm…

Những thứ thuốc Nam bà tìm đọc trong sách hoặc nghe mọi người mách, ăn vào để tăng sức đề kháng, không phải dùng đến thuốc như đinh lăng, ngải cứu, bồ công anh, hẹ, khôi tía, mật gấu, lược vàng…

Bà Nguyễn Thị Thu bên khu vườn trên sân thượng

Tôi được theo bà lên thăm khu vườn đặc biệt ấy. Tầng nào cũng có ban công rộng để bà trồng cây, mà phần lớn là những cây thuốc.

Còn trên sân thượng, bà trồng cả mướp, cả bầu, cây khế sai chĩu quả, mấy cây vối xanh tốt, có cả chỗ để ủ phân xanh, mấy bồn nước chuyên dùng để hứng nước mưa tưới cây. Hàng ngày lên xuống chăm sóc, tưới cây không chỉ là cách bà Thu tập luyện mà còn giúp bà thư giãn.

Một điều khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ là ông bà rất hợp nhau, đi đâu, làm gì cũng có nhau. Ông còn bảo, mỗi khi ông làm được một bài thơ, bà bao giờ cũng là người đọc đầu tiên.

Tuệ Minh

BẢN DESKTOP