Đời sống

Về hưu vẫn đam mê văn nghệ

Ngày ở chiến trường, ông là một tay súng bắn rất giỏi. Ông còn là người yêu thơ và cũng là một cây văn nghệ rất có duyên của đơn vị. Về hưu, ông vẫn đam mê văn hóa nghệ thuật và tâm huyết với các phong trào của địa phương. Đó là ông Nguyễn Trung Tuyến ở làng La Hào, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ.

Ông Nguyễn Trung Tuyến luôn là nòng cốt phát triển phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương.

Người lính có tâm hồn nghệ sĩ

Năm 18 tuổi vừa học xong cấp 3 ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đầu năm 1968 ông cùng đơn vị hành quân vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ngày ấy Nguyễn Trung Tuyến là một chiến sỹ trẻ, rất thư sinh, nhưng chiến đấu rất ngoan cường. Ông đã được phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”.

Ngoài chiến đấu khôn ngoan dũng cảm, ông còn là một chiến sỹ có giọng hát hay, biết làm thơ để tuyên truyền cổ vũ các chiến sỹ ở mặt trận. Sau nhiều chiến dịch, ông Nguyễn Trung Tuyến được điều lên làm đội trưởng Đội tuyên văn của trung đoàn. Từ đó ông lại càng đam mê đi xuống từng đơn vị để lấy tư liệu viết tin bài.

Tuy không được qua trường lớp viết báo, nhưng với sự năng động nhiệt tình và với lòng đam mê nên nhiều bài viết của ông đã phản ánh sâu sắc về cuộc sống chiến đấu đầy hy sinh gian khổ và chiến thắng vẻ vang của cán bộ chiến sỹ binh đoàn. Đặc biệt ông còn viết kịch bản cho đội tuyên văn đi xuống từng trung đội đại đội để phục vụ các chiến sỹ

Đến bây giờ ông vẫn xúc động và tự hào khi kể lại ngày ông viết vở kịch “Sang sông”. Nội dung tái tạo cảnh đơn vị vượt sông để kịp tham gia chiến dịch. Ông Nguyễn Trung Tuyến đóng vai người lái đò và vở kịch ấy được giải nhất trong lần hội diễn của sư đoàn.

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Nguyễn Trung Tuyến ra Bắc rồi chuyển ngành. Ở cơ quan nào, vị trí công tác nào ông vẫn là người đi đầu trong phong trào văn hóa văn nghệ. Niềm đam mê ca hát từ ngày còn là người lính ở chiến trường vẫn được tỏa sáng ở các sân khấu nhỏ của cơ quan. Ngoài hát đơn ca, ông còn viết kịch bản dàn dựng các tiểu phẩm cho đội văn nghệ đi phục vụ hội nghị hoặc đi dự các cuộc thi.

Năm 1998 ngay sau ngày về hưu, làng ông thành lập CLB thơ. Ông Nguyễn Trung Tuyến là hội viên đầu tiên được kết nạp và được bầu vào ban chủ nhiệm của CLB. Từ đó ông lại càng đam mê gắn bó với công tác văn hóa ở quê nhà. Sau ngày CLB thành lập, ông Tuyến cùng với ban chủ nhiệm khẩn trương thành lập tổ văn nghệ và tổ thơ.

Với sự đam mê và giàu kinh nghiệm, ông là nòng cốt để xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ của làng. Chỉ sau mấy tháng thành lập, đội văn nghệ đã biểu diễn phục vụ hội làng và đi giao lưu với các CLB xã bạn trong trích đoạn chèo “Thị Mầu lên chùa” và “Lưu Bình Dương Lễ”.

Còn với tổ thơ, ông Tuyến lại được đưa vào trong ban biên tập. Đến nay CLB đã in được 6 tập thơ. Tập thơ nào cũng được bạn bè trân trọng đón nhận.Trong dịp ấy do yêu cầu của làng, ông Tuyến lại được bầu làm Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi.

Trong ban chủ nhiệm CLB thơ và văn hóa đã bộn bề, nay thêm công tác người cao tuổi lại càng thêm bề bộn. Nhưng với lòng đam mê và tâm huyết trong mọi công việc, nên ông Tuyến đã hoàn thành xuất sắc trong 5 năm liền làm chi hội trưởng.Từ năm 2010 đến nay ông liên tục giữ chức chủ nhiệm CLB thơ của làng.

Người đội trưởng đội tuyên văn của trung đoàn ngày ấy, bây giờ đã bước sang tuổi 72. Cầu mong ông Tuyến có nhiều sức khỏe để mãi mãi giữ được niềm đam mê ấy.

                                                                      Lê Văn Thục (Phú Thọ)

BẢN DESKTOP