Dữ liệu y khoa

Vảy nến: Lành tính nhưng khó chữa

  • Tác giả : Bạch Dương
(khoahocdoisong.vn) - Vảy nến là một bệnh lý viêm mạn tính qua trung gian miễn dịch, có liên quan tới gene di truyền, biểu hiện ngoài da hoặc khớp, hay cả da và khớp. Có khoảng 125 triệu người trên thế giới mắc bệnh ở tất cả lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là 15-35 tuổi. Vảy nến ảnh hưởng đến bệnh nhân không chỉ về mặt thể chất mà còn tinh thần, xã hội và tài chính.
Vảy nến da đầu. Ảnh: BV Da liễu TPHCM

Vảy nến da đầu. Ảnh: BV Da liễu TPHCM

TS.BS. Nguyễn Trọng Hào – Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM

Có bao nhiêu loại vảy nến?

Hiện nay chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến, nhưng người ta tin chắc bệnh có liên quan tới yếu tố gene. Một tế bào da bình thường trưởng thành và rời khỏi bề mặt da trong khoảng 28 – 30 ngày. Nhưng tế bào da của người bệnh vảy nến chỉ cần 3 – 4 ngày là trưởng thành và di chuyển lên bề mặt da, thay vì rơi ra, chúng lại dính với nhau và tạo nên vảy nến.

Thương tổn đặc trưng của bệnh vảy nến là mảng da màu đỏ, giới hạn rõ, bề mặt có vảy trắng, dễ tróc, thường xuất hiện ở da đầu, đầu gối, cùi chỏ và thân mình. Ngoài ra thương tổn cũng có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể như móng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng sinh dục và mặt...

Bệnh gồm các thể: vảy nến mảng (thường gặp nhất chiếm khoảng 80%), vảy nến giọt, vảy nến đảo nghịch, vảy nến mủ và vảy nến đỏ da toàn thân. Các thương tổn da của bệnh vảy nến nhìn có vẻ ghê sợ nhưng hoàn toàn không lây cho người khác.  

Cần lưu ý một số bệnh kèm theo xuất hiện trước, trong hoặc sau khi khởi phát vảy nến như viêm khớp vảy nến, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch... Viêm khớp xảy ra khoảng 10 – 30% bệnh nhân vảy nến. Ở viêm khớp vảy nến, các khớp và mô mềm xung quanh khớp bị viêm đỏ và cứng. Vảy nến khớp có thể bị ở ngón tay, ngón chân, và có thể xảy ra ở cổ, lưng, ngón chân và mắt cá. Trong những trường hợp bệnh nặng, vảy nến khớp có thể gây biến dạng và phá hủy khớp không hồi phục.

Hiện nay người ta nói nhiều đến một số rối loạn chuyển hóa kèm theo vảy nến như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch…Đây chính là những yếu tố nguy cơ tim mạch do vậy cần lưu ý và tầm soát để phát hiện sớm trên bệnh nhân vảy nến.

Thương tổn do vảy nến. Ảnh: BV Da liễu TPHCM

Thương tổn do vảy nến. Ảnh: BV Da liễu TPHCM

Một số yếu tố khởi phát bệnh vảy nến

Stress có thể làm bộc phát bệnh vảy nến lần đầu tiên hoặc làm bệnh trở nặng hơn. Vảy nến có thể xảy ra ở vị trí da bị chấn thương, người ta gọi đó là hiện tượng Koebner. Chích ngừa, phơi nắng, cào gãi cũng có thể gây hiện tượng Koebner. Một số thuốc như: Thuốc chống sốt rét, lithium, một vài thuốc ức chế beta cũng là tác nhân làm bùng phát bệnh. Các yếu tố khác như: Thay đổi khí hậu, chế độ ăn, dị ứng…

Có nhiều phương pháp điều trị vảy nến, tuy nhiên vẫn chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn bệnh. Mặc dù vảy nến không thể khỏi hẳn nhưng chúng ta có thể kiểm soát bệnh trong một khoảng thời gian dài. Đôi khi, bệnh không tái phát trở lại, nhưng đa số bệnh nhân mang bệnh mạn tính kéo dài với từng đợt bùng phát và hết bệnh xen kẽ nhau.

Với sự phát triển của khoa học, phương pháp điều trị vảy nến bằng các thuốc sinh học đã ra đời (Biologics). Bằng cách ức chế những thành phần đặc hiệu của hệ thống miễn dịch, thuốc sinh học sẽ không hoặc giảm thiểu tác động lên các tế bào của những cơ quan khác, vì vậy hạn chế các tác dụng không mong muốn. Hiện nay, Bệnh viện Da liễu TPHCM đang triển khai sử dụng các loại thuốc sinh học điều trị vảy nến như Infliximab, Adalimumab, Ustekinumab, và Secukinumab.

Tại BV Da Liễu TPHCM, hàng năm có khoảng 11.000 đến 15.000 lượt bệnh nhân vảy nến đến khám và điều trị, trong đó việc tư vấn cho người bệnh rất quan trọng, để họ hiểu rõ tình trạng bệnh của mình, biết cách tự chăm sóc, tránh các yếu tố khởi phát hoặc làm bệnh nặng hơn, tuân thủ và hợp tác tốt với bác sĩ nhằm mang lại kết quả điều trị tốt nhất. 

Bạch Dương

BẢN DESKTOP