Chữa bệnh không dùng thuốc

Vai trò của châm cứu, cấy chỉ trong phục hồi các di chứng sau đột quỵ

  • Tác giả : BS Quách Tuấn Vinh
Di chứng sau đột quỵ ảnh hưởng đến khả năng vận động, nhận thức và tinh thần của bệnh nhân, tạo gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội. Cần phục hồi chức năng sớm ngay sau đột quỵ.

50% đột quỵ não để lại di chứng nặng nề

Đột quỵ não, còn được gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng xảy ra khi dòng máu đến một phần của não bị gián đoạn, gây tổn thương các tế bào não. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn cầu, với mỗi năm có khoảng 15 triệu người trên thế giới bị đột quỵ (WHO, 2019).

Tại Việt Nam, theo Hội Tim mạch Việt Nam, có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới mỗi năm, trong đó 50% để lại các di chứng nghiêm trọng và chỉ có 20-25% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn (Hội Tim mạch Việt Nam, 2021).

Di chứng sau đột quỵ ảnh hưởng đến khả năng vận động, nhận thức và tinh thần của bệnh nhân, tạo gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng di chứng sau đột quỵ có thể kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm, tùy thuộc vào vị trí tổn thương trong não và thời gian điều trị. Các di chứng phổ biến nhất bao gồm:

Liệt nửa người: Khoảng 48% bệnh nhân sau đột quỵ gặp phải tình trạng này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tự vận động và sinh hoạt hàng ngày (Stroke Journal, 2020).

Rối loạn ngôn ngữ : Khoảng 30% bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nói hoặc hiểu ngôn ngữ, do tổn thương các vùng não liên quan đến ngôn ngữ (Neurology, 2021).

Suy giảm nhận thức: 26% bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ, khả năng tư duy logic và khả năng tập trung, ảnh hưởng lớn đến khả năng tự chăm sóc (European Journal of Neurology, 2019).

Rối loạn thị giác: Khoảng 18% bệnh nhân đột quỵ bị rối loạn thị giác, bao gồm mờ mắt hoặc mất thị lực một phần hoặc toàn phần.

Trầm cảm và rối loạn tâm thần: Theo nghiên cứu của Lancet Neurology (2021), 15-20% bệnh nhân sau đột quỵ phát triển các triệu chứng trầm cảm, đặc biệt do mất khả năng vận động và suy giảm chức năng sinh hoạt.

Khó nuốt : 13% bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nuốt, làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và viêm phổi hít (Journal of Stroke and Cerebrovascular Diseases, 2020).

Tiểu không tự chủ : Khoảng 10% bệnh nhân không kiểm soát được chức năng tiểu tiện và đại tiện, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt.

Đau vai sau đột quỵ : Khoảng 16% bệnh nhân bị đau vai do căng cứng cơ hoặc liệt cơ, bán trật khớp vai.

Co cứng cơ: Khoảng 8% bệnh nhân bị co cứng cơ, làm giảm khả năng di chuyển và gây đau đớn.

BS Quách Tuấn Vinh thực hiện châm cứu, cấy chỉ cho bệnh nhân

BS Quách Tuấn Vinh thực hiện châm cứu, cấy chỉ cho bệnh nhân

Cơ sở khoa học của châm cứu trong phục hồi chức năng sau đột quỵ

Cải thiện tuần hoàn máu não: Châm cứu được chứng minh có khả năng cải thiện tuần hoàn máu não, điều này rất quan trọng đối với bệnh nhân đột quỵ. Nghiên cứu đăng trên Stroke (2017) cho thấy châm cứu giúp mở rộng mạch máu và tăng cường lưu thông máu đến các vùng não bị thiếu máu, tăng cường cung cấp oxy và glucoza từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi của tế bào não.

Kích thích phục hồi thần kinh: Châm cứu có thể kích hoạt các cơ chế tự nhiên của cơ thể, bao gồm việc sản xuất các yếu tố tăng trưởng thần kinh (NGF - Nerve Growth Factor) và các yếu tố tái tạo mô.

Theo Journal of Traditional Chinese Medicine (2018), châm vào các huyệt Thái xung và Phong trì kích thích tái sinh các dây thần kinh bị tổn thương, cải thiện chức năng vận động và hệ thần kinh trung ương.

Điều hòa hoạt động của hệ thần kinh trung ương : Châm cứu kích thích các vùng não bộ liên quan đến vận động và nhận thức, từ đó giúp tái cấu trúc lại các liên kết thần kinh bị tổn thương.

Nghiên cứu đăng trên Neurology (2019) chỉ ra rằng châm cứu vào các huyệt như Phong trì và Thần môn giúp cải thiện khả năng truyền tải thông tin giữa các vùng não bị tổn thương.

Một số nghiên cứu đánh giá cao việc châm cứu có thể kích thích sự phục hồi các tổ chức thần kinh bị tổn thương, kích thích các trung khu thần kinh lành bù đắp chức năng cho trung khu thần kinh bị tổn thương.

Cải thiện chức năng vận động: Một nghiên cứu lâm sàng đối chứng tại Trung Quốc (2019) cho thấy bệnh nhân đột quỵ được điều trị bằng châm cứu tại các huyệt Dương lăng tuyền, Phong trì, và Hợp cốc có sự cải thiện rõ rệt về khả năng vận động so với nhóm không sử dụng châm cứu (Journal of Rehabilitation Medicine, 2020).

Hỗ trợ phục hồi chức năng ngôn ngữ: Châm cứu cũng được chứng minh có tác dụng trong việc cải thiện khả năng ngôn ngữ ở bệnh nhân đột quỵ. Nghiên cứu đăng tải trên Acupuncture in Medicine (2018) cho thấy bệnh nhân được châm cứu vào huyệt Thiên đột và Phong trì có sự cải thiện rõ rệt trong khả năng nói và hiểu ngôn ngữ.

Giảm co cứng cơ và đau sau đột quỵ: Co cứng cơ là một trong những di chứng phổ biến nhất sau đột quỵ. Nghiên cứu từ Journal of Rehabilitation Medicine (2020) chỉ ra rằng châm cứu giúp giảm co cứng cơ, cải thiện biên độ vận động và giảm đau ở các cơ bị co rút.

Thay đổi đáp ứng miễn dịch: Châm cứu- cấy chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, giảm khả năng nhiễm các bệnh đồng mắc sau đột quỵ do kích thích tăng các yếu tố miễn dịch thông qua các cơ chế:

- Kích hoạt hệ thống miễn dịch tự nhiên: tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch, bao gồm bạch cầu, đại thực bào, và tế bào NK (natural killer). Điều chỉnh sự tiết cytokine: là các protein tín hiệu quan trọng trong đáp ứng miễn dịch, giúp điều hòa phản ứng viêm trong cơ thể.

- Tác động đến hệ thần kinh và miễn dịch: Nghiên cứu chỉ ra rằng cấy chỉ có thể kích hoạt trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (HPA axis), từ đó làm tăng cường khả năng chống viêm của cơ thể thông qua việc tiết ra hormone cortisol, một loại hormone chống viêm tự nhiên.

- Tăng cường miễn dịch tế bào: tăng cường hoạt động của tế bào T – một loại tế bào miễn dịch quan. Điều hòa hệ miễn dịch: cấy chỉ có thể điều chỉnh sự cân bằng giữa phản ứng miễn dịch quá mức (phản ứng tự miễn) và sự thiếu hụt trong phản ứng miễn dịch. Điều này giúp giảm triệu chứng bệnh mà không làm suy yếu hệ miễn dịch tổng thể.

Kích thích hệ thống chống viêm tự nhiên: tăng sản xuất các hợp chất chống viêm tự nhiên trong cơ thể như cortisol, endorphin và các peptide opioid nội sinh. Những chất này có tác dụng giảm đau, giảm viêm hiệu quả mà không gây tác dụng phụ như thuốc chống viêm thông thường.

Vai trò của cấy chỉ trong phục hồi chức năng sau đột quỵ

Cấy chỉ là một phương pháp y học cổ truyền hiện đại, trong đó chỉ tự tiêu được cấy ghép vào các huyệt vị để duy trì kích thích lâu dài. Phương pháp này giúp cải thiện tuần hoàn máu và kích thích tái tạo mô tổn thương.

Theo nghiên cứu của Dr. Chen R. đăng tải trong Stroke Rehabilitation and Recovery (2020): "Châm cứu kết hợp với cấy chỉ đã chứng minh khả năng tối ưu hóa quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ. Không chỉ cải thiện chức năng vận động, nó còn giúp bệnh nhân lấy lại sự tự tin và khả năng tương tác xã hội."

Trên thực tế lâm sàng, qua 50 bệnh nhân sau đột quỵ não được cấy chỉ điều trị -PHCN cho hiệu quả trên 90%, cải thiện tốt tình trạng liệt nửa người, bệnh nhân có thể đi lại vận động bình thường hoặc tương đối bình thường, tự phục vụ được, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội.

Phục hồi chức năng vận động : Nghiên cứu của Wang et al. (2020) cho thấy cấy chỉ giúp cải thiện rõ rệt khả năng vận động ở bệnh nhân liệt nửa người sau đột quỵ, đặc biệt khi kết hợp cấy chỉ tại các huyệt Dương lăng tuyền và Thái xung. Thực tế lâm sàng cho thấy cải thiện chức năng vận động ở bệnh nhân liệt sau đột quỵ có hiệu quả cao.

Giảm co cứng cơ : Liu et al. (2019) tiến hành một nghiên cứu đối chứng và chỉ ra rằng cấy chỉ mang lại hiệu quả vượt trội so với châm cứu truyền thống trong việc giảm co cứng cơ và tăng biên độ vận động của các chi.

Cải thiện khó nuốt: Zhao et al. (2020) đã nghiên cứu và chứng minh rằng cấy chỉ giúp cải thiện tình trạng khó nuốt ở bệnh nhân đột quỵ khi tác động lên các huyệt Phế du và Thiên đột, giúp bệnh nhân nuốt dễ dàng hơn.

So sánh giữa châm cứu và cấy chỉ

Theo Dr. Liu H. (2019), (Journal of Alternative and Complementary Medicine) đánh giá: "Sự khác biệt giữa cấy chỉ và châm cứu truyền thống nằm ở khả năng duy trì kích thích lâu dài, tạo ra sự cải thiện liên tục và toàn diện cho bệnh nhân sau đột quỵ. Cấy chỉ là phương pháp điều trị mà chúng tôi tin rằng sẽ cách mạng hóa phục hồi chức năng thần kinh."

Thời gian tác dụng: Châm cứu yêu cầu điều trị nhiều lần với kích thích ngắn hạn, trong khi cấy chỉ duy trì kích thích trong vài tuần. Nghiên cứu của Zhang et al. (2021) chỉ ra rằng cấy chỉ có hiệu quả lâu dài hơn trong việc giảm co cứng cơ và phục hồi vận động.

Hiệu quả phục hồi: Nghiên cứu của Chen & Huang (2021) kết luận rằng bệnh nhân sử dụng phương pháp cấy chỉ kết hợp với châm cứu có tốc độ phục hồi nhanh hơn và toàn diện hơn so với nhóm sử dụng đơn lẻ một phương pháp.

Kết hợp châm cứu và cấy chỉ trong phục hồi chức năng

Nghiên cứu từ Journal of Rehabilitation Medicine (2021) chỉ ra rằng sự kết hợp giữa châm cứu và cấy chỉ giúp mang lại hiệu quả cao hơn so với việc sử dụng đơn lẻ một trong hai phương pháp. Bệnh nhân đột quỵ được điều trị kết hợp có sự cải thiện nhanh hơn về khả năng vận động và giảm các triệu chứng tâm lý như trầm cảm và lo âu.

Theo Dr. Ma H và cộng sự, một nghiên cứu từ Acupuncture Research (2020) cho biết:"Sự kết hợp giữa châm cứu và cấy chỉ mang lại hiệu quả mạnh mẽ trong việc điều trị đau và tăng cường khả năng vận động sau đột quỵ. Phương pháp này không chỉ giảm triệu chứng mà còn tạo cơ hội cho bệnh nhân có một cuộc sống chất lượng hơn."

Cấy chỉ là một kỹ thuật PHCN rất có hiệu quả trong PHCN cho bệnh nhân sau đột quỵ, tạo ra một cuộc cách mạng trong châm cứu. Các nghiên cứu khoa học cho thấy cần châm cứu – cấy chỉ sớm ngay trong giai đoạn điều trị tại Bệnh viện.

"Châm cứu – cấy chỉ là một kỹ thuật PHCN có hiệu quả cao. Để nâng cao hiệu quả điều trị-PHCN cho bệnh nhân sau đột quỵ, ngoài việc áp dụng châm cứu - cấy chỉ còn cần áp dụng kết hợp các kỹ thuật PHCN khác như vận động trị liệu, tâm lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu …" GS.TS Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội PHCN Việt Nam đánh giá

BS Quách Tuấn Vinh

(Uỷ viên BCH Hội Đông y TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Đông y quận Hoàn Kiếm)

BS Quách Tuấn Vinh

BẢN DESKTOP