Khoa học & Công nghệ

Văcxin Mỹ chuyển giao công nghệ cho Vingroup có gì đặc biệt?

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Theo kế hoạch Bộ Y tế phê duyệt, từ ngày 8/8 chương trình thử nghiệm lâm sàng (TNLS) văcxin VBC-COV19-154 bắt đầu tiến hành tại Trường Đại học Y Hà Nội. Theo các nhà khoa học, VBC-COV19-154 là loại văcxin triển vọng về đáp ứng miễn dịch, tuy nhiên, hiệu quả trên người cao hay không và tác dụng phụ gì vẫn phải chờ kết quả nghiên cứu các pha tiếp theo.

Khả năng trung hòa virus rất tốt

Như KH&ĐS đã đưa tin, VBC-COV19-154 do Công ty VinBioCare (thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup) triển khai chuyển giao công nghệ sản xuất từ văcxin ARCT-154 của Arcturus (Mỹ). Bà Lê Ngọc Chi, Tổng Giám đốc VinBioCare cho biết, cùng với nhiều giải pháp khác và sự vào cuộc phối hợp của các bộ ngành, dự kiến, lô văcxin thương mại đầu tiên có thể ra đời vào tháng 3/2022, sớm hơn 18 tháng so với kế hoạch ban đầu nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ chất lượng theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất và đúng các quy định của Bộ Y tế Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người quan tâm là tính khả thi, hiệu quả miễn dịch, độ an toàn, tác dụng phụ nếu có... của VBC-COV19-154.

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, chuyên gia nghiên cứu văcxin Viện Nghiên cứu City of Hope, Hoa Kỳ (cố vấn khoa học Ruy Băng Tím), cho đến nay, các thông tin khoa học liên quan đến ARCT-154 mới chỉ công bố trên tạp chí chuyên ngành phần thử nghiệm tiền lâm sàng trên chuột. Dựa trên các công bố có thể thấy, Arcturus là một công ty công nghệ sinh học có công nghệ cốt lõi là sử dụng mRNA và hạt nano lipid để điều trị bệnh và làm văcxin. Khác với công nghệ sử dụng mRNA hiện nay mà Pfizer/BioNTech hoặc Moderna đang sử dụng, Arcturus sử dụng một loại mRNA được thiết kế đặc biệt để có thể tự sao chép và nhân bản (Self-Transcribing and Replicating RNA, gọi tắt là STARR). Loại mRNA đặc biệt này có thể tồn tại trong cơ thể lâu hơn và kéo dài thời gian biểu hiện protein. Đây là nền tảng chính để nhà nghiên cứu hy vọng đạt được mục đích tạo ra loại văcxin Covid-19 hiệu quả hơn và chỉ cần 1 lần chích ngừa duy nhất để tạo hiệu quả miễn dịch mạnh như các văcxin hiện có.

Theo bài báo khoa học đăng trên Tạp chí chuyên ngành Molecular Therapy tháng 4, các kết quả tiền lâm sàng thử nghiệm trên chuột rất khả quan. Chỉ cần 1 liều chích ngừa, lượng kháng thể đặc hiệu trên chuột tăng liên tục và vẫn giữ ở mức cao sau 60 ngày. Các kháng thể này có khả năng trung hòa virus SARS-CoV-2 rất tốt và thậm chí còn mạnh hơn so với kháng thể từ người đã hồi phục từ việc nhiễm virus một cách tự nhiên.

Thí nghiệm còn cho thấy văcxin này kích thích được hệ miễn dịch đáp ứng với các tế bào T đặc hiệu có khả năng tiêu diệt các tế bào có chứa virus bên trong. Trong thí nghiệm với virus SARS-CoV-2 thật sau 30 ngày chích văcxin, lượng virus sau 5 ngày tiếp theo giảm đáng kể trong nhóm chích văcxin ở liều cao (10 micro gram) và liều thấp (2 micro gram) trong phổi và trong não so với nhóm đối chứng. Ngoài ra, các chỉ số về cân nặng của chuột và các chỉ số lâm sàng đều cho thấy văcxin an toàn và không ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe chuột.

Nhiều triển vọng

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, với các kết quả tiền lâm sàng đầy triển vọng, ARCT-154 đã được cấp phép để thử nghiệm lâm sàng (trên người) giai đoạn 1/2. Tuy chưa có công bố bằng bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành chính thức nhưng từ phía Công ty cho biết các kết quả sơ khởi rằng họ đã hoàn thành bước chuẩn liều lượng và cho thấy văcxin rất an toàn, có thể cho phép chích ngừa với liều lượng thấp nhất và chỉ với một lần chích ngừa. Các phân tích cuối cùng của các thử nghiệm lâm sàng này về tính sinh miễn dịch và an toàn sẽ được tiến hành sớm để chọn ra liều tối ưu cho nghiên cứu giai đoạn 3.

TS Nguyễn Hồng Vũ nhận định, dựa trên số liệu khoa học công bố cho đến hiện nay thì ARCT-154 là một văcxin Covid-19 có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, để đi đến kết luận cuối cùng về tính an toàn, hiệu quả và khả dụng của sản phẩm, chúng ta cần nhiều kết quả thử nghiệm lâm sàng hơn.

Đánh giá về điểm ưu việt ARCT-154, BS Trần Thụy Hương Quỳnh, nghiên cứu sinh Trường Đại học Y khoa Kansai, Nhật Bản, thành viên Ban Y học Ruy Băng Tím cho biết, văcxin công nghệ mRNA được phát triển do một số đặc điểm ưu việt. Sau khi xâm nhập vào tế bào, mRNA tạo ra protein kháng nguyên virus trong tế bào tương tự như quá trình lây nhiễm virus tự nhiên, làm tăng cường phản ứng miễn dịch, bao gồm cải thiện đáp ứng tế bào B và T. Nhiều mRNA cho phép sản xuất các kháng nguyên đa phân tử phức tạp mà công nghệ truyền thống khó đạt được. Văcxin mRNA không sử dụng virus sống, không có khả năng khiến người bệnh mắc Covid-19, không tác động tới hệ gene của con người. Tế bào sẽ phá hủy và loại bỏ mRNA ngay khi kết thúc quá trình tạo miễn dịch.

Tuy nhiên, khả năng lưu trữ và vận chuyển của mRNA văcxin đòi hỏi điều kiện nhiệt độ âm sâu. VBC-COV19-154 có dạng đông khô, vận chuyển thuận tiện ở nhiệt độ từ 2 - 8oC, mang đến ưu thế vượt trội về khả năng phổ cập và tối ưu chi phí.

TS Trịnh Vạn Ngữ,Viện Khoa học Y Sinh SoonChunHyang, Đại học SoonChunHyang, Hàn Quốc, thành viên Ban Khoa học Ruy Băng Tím cũng cho hay, với những kết quả khả quan trong các thử nghiệm tiền lâm sàng, văcxin ARCT-021 đã được FDA cho phép các thử nghiệm lâm sàng pha 1/2 tại Hoa Kỳ và Singapore. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy ARCT-021 đã kích hoạt sự phát triển của cả kháng thể cũng như tế bào T chống lại SARS-CoV-2 sau khi tiêm một liều duy nhất và không có tác dụng phụ nghiêm trọng được báo cáo.

Bên cạnh ARCT-021, hãng Arcturus đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng văcxin thế hệ mới của ARCT-021 là ARCT-154 và ARCT-165. Nghiên cứu tiền lâm sàng trên linh trưởng cho thấy văcxin ARCT-154 và văcxin ARCT-165 hiệu quả trên nhiều biến thể SARS-CoV-2 cùng lúc như Alpha, Beta, Gamma và đặc biệt là biến thể Delta.

ARCT-154 vừa được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt thử nghiệm lâm sàng từ ngày 8/8 nên chưa thể đánh giá cụ thể ngay lúc này. Tuy nhiên, với những kết quả nghiên cứu trước đó về văcxin này, đây cũng là một trong những ứng viên tiềm năng trong việc ngăn ngừa đại dịch Covid-19.

Ruy Băng Tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước. Ruy Băng Tím đã và đang xây dựng một website khoa học đáng tin cậy, chuyên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về ung thư. Các bài viết đều được các tác giả tra cứu kỹ lưỡng trước khi viết, có dẫn nguồn đầy đủ để người đọc có thể tham khảo. Website: ruybangtim.com.

Tuyết Vân

BẢN DESKTOP