Thời sự

Văcxin Covid-19: Không thể vội vàng

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Việc cần thiết phải có văcxin phòng dịch Covid-19 khiến không ít quốc gia đang chạy đua nghiên cứu. Nhưng việc phải có văcxin trong thời gian ngắn cũng dễ để lại những hậu quả.

Có thể tác dụng ngược

Để đối phó với dịch Covid-19, nhiều quốc gia chạy đua nghiên cứu, thử nghiệm văcxin nhằm đưa vào ứng dụng sớm nhất để ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, quy trình sản xuất văcxin theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rất nghiêm ngặt, việc vội vàng hay đốt cháy giai đoạn để đưa văcxin vào ứng dụng có thể đối mặt với nhiều nguy cơ.

Mới đây trên tờ Reuter có đăng tải ý kiến của TS Peter Hotez - hiệu trưởng Trường Y khoa Nhiệt đới Quốc gia thuộc Đại học Y khoa Baylor (Mỹ), người từng có kinh nghiệm tham gia chế tạo văcxin phòng SARS năm 2003. Ông nhấn mạnh hoàn toàn có những động vật thí nghiệm mắc bệnh nặng hơn vì văcxin. Cách tốt nhất hạn chế rủi ro hiện tại là thử nghiệm ở nhiều quy mô để biết nhược điểm của văcxin, qua đó có thể điều chỉnh hợp lý. Chẳng hạn, khi chế tạo văcxin, một nhóm nghiên cứu phải mất vài tháng để quan sát hiện tượng đảo ngược ở động vật rồi mới thử nghiệm ở người.

Hiện có khoảng 20 loại văcxin phòng SARS-Cov-2 đang được nghiên cứu và thử nghiệm bởi các hãng uy tín trên toàn cầu. Chính phủ Mỹ cũng đã dành hẳn 3 tỉ USD hỗ trợ tìm vắcxin và phương pháp chữa trị Covid-19.

PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, Ký sinh trùng Trung ương cho biết, quy trình sản xuất văcxin của WHO đặt ra áp dụng cho tất cả các nước muốn nghiên cứu, sản xuất văcxin. Theo đó, sẽ phải mất từ 3-5 năm từ lúc nghiên cứu mới cho ra đời được một loại văcxin mới. Trường hợp có công nghệ tiên tiến, nhu cầu cấp bách, kế thừa các nghiên cứu về chủng virus gần giống với virus mới để nghiên cứu văcxin thì tối thiểu cũng phải mất từ 18 đến 24 tháng. Việc vội vàng ứng dụng ngay những loại văcxin chưa được thử nghiệm kỹ càng trên người hay động vật, sẽ phải đối mặt với những rủi ro khủng khiếp.

Bắt buộc phải thử nghiệm ở động vật

Theo PGS.TS Phạm Thị Khoa, để điều chế văcxin, người ta phải thử nghiệm tìm ra kháng thể, kháng nguyên sau đó mới điều chế virus để bất hoạt chúng. Hiện Mỹ là quốc gia đầu tiên thử nghiệm văcxin ngừa Covid-19 với tốc độ rất nhanh, chỉ sau khoảng 1-2 tháng là có thể đánh giá hiệu giá kháng thể ở người thử nghiệm. Trên thế giới, văcxin của Mỹ hiện được đánh giá là có mức độ an toàn, chất lượng cao nhất. Nếu có sẵn công nghệ, cộng với nhiệm vụ cấp bách, hoàn toàn có thể cho ra văcxin sớm hơn dự kiến, nhưng vẫn bắt buộc phải thực hiện theo đúng quy trình là thử nghiệm trên động vật trước khi thử nghiệm ở người. Tùy loại văcxin người ta có thể chọn chuột, thỏ hay khỉ, là những loài gần gũi với con người nhất.

Sau đó, nếu thành công thì thử nghiệm trên người. Phải mất từ 6 tháng đến 1 năm để có thể đánh giá hiệu giá kháng thể ở người là bao nhiêu, từng chủng người ở từng châu lục cho kết quả như thế nào. Rồi phải nghiên cứu xem sau bao nhiêu lâu thì phải tiêm nhắc lại. Bởi miễn dịch tự nhiên thì sẽ có suốt đời, nhưng miễn dịch nhân tạo nào cũng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Sau khi có kết quả, đảm bảo tính an toàn thì sẽ được Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm FDA của Mỹ hoặc Châu Âu cho phép lưu hành. Nhanh nhất cũng phải mất đến 2 năm mới có văcxin.

Trường hợp quá vội vàng lưu hành văcxin thì phải đối mặt với những nguy cơ như xảy ra phản ứng miễn dịch với, tỉ lệ cơ thể phản ứng với văcxin cao, rủi ro sốc thuốc, tử vong cũng sẽ rất cao. Do đó, tính an toàn khi lưu hành văc xin được coi là yếu tố quan trọng nhất, nên phải rất cẩn trọng. Văcxin là để bảo vệ con người khỏi dịch bệnh, nên phải được đánh giá là tốt nhất và an toàn nhất trước khi sử dụng. Không nên vì quá nóng vội mà đốt cháy giai đoạn, đưa văcxin vào lưu hành khi chưa có những đánh giá toàn diện.

Hà Bình

Hà Bình

BẢN DESKTOP