Khoa học & Công nghệ

Uống cốc nước ngọt “phí” thuốc ba năm

Các chuyên gia khuyến cáo, nguy cơ khi uống nước ngọt là có thể làm nhiều bệnh nặng hơn. Điều này không khác gì, kiếm củi ba năm đốt một giờ, hay uống một cốc nước ngọt làm lãng phí ba năm sử dụng thuốc.

Nghiện… nước ngọt

Theo TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TPHCM, nước ngọt là thực phẩm uống không hỗ trợ dinh dưỡng, chỉ cung cấp năng lượng. Chính vì vậy, điều đáng lo ngại rõ nhất là nguy cơ khi uống nước ngọt có thể xảy ra khi lạm dụng dẫn tới thừa năng lượng, thừa cân, gây béo phì.

Các thành phần cần lưu ý trong nước ngọt đó là hương liệu, chất tạo màu, tạo ngọt và đa số nước ngọt nói chung có chứa cafein chất gây nghiện. Dù được cho phép đưa vào nước ngọt, quảng cáo là giúp người uống tỉnh táo, nhưng uống nhiều, trong thời gian dài đều có thể gây nghiện, trước tiên là nghiện loại nước giải khát này, khi không uống sẽ thấy thèm là biểu hiện nghiện nhẹ.

Thị trường hiện nay có rất nhiều loại nước ngọt từ nhiều hãng sản xuất, có đơn vị cho ra lò 4 – 5 loại nước giải khát, nếu sử dụng loại nước ngọt uy tín có thương hiệu đã có kiểm nghiệm, người tiêu dùng được bảo vệ. Còn những loại nước ngọt trôi nổi, không loại trừ trường hợp thành phần nguyên liệu không đạt chất lượng, không đúng quy định về hàm lượng, nồng độ gây hại sức khỏe người tiêu dùng.

Một ly nước góp bệnh thêm nặng

Cũng theo TS Phan Thế Đồng, những dịp lễ, Tết, nước ngọt thường tiêu thụ khá mạnh, với người già thường bị các chứng bệnh cao huyết áp, máu nhiễm mỡ, tiểu đường… khi uống nước ngọt dễ dàng đẩy nhanh bệnh.

Nhiều người cho rằng, uống nước ngọt có gas giúp tiêu hóa tốt, nhưng với người già đã bị các chứng bệnh trên, uống một ly nước ngọt chẳng khác nào “ba năm kiếm củi thiêu một giờ”. Tức là hằng ngày kiêng cữ ngọt, năng lượng, nhưng chỉ một ly nước ngọt tự góp sức cho các chứng bệnh tăng nhanh. Tốt nhất người lớn tuổi nên bổ sung nước trái cây tươi tự pha chế, có nhiều vitamin, dưỡng chất, hạn chế được thành phần đường vào cơ thể.

Đối với trẻ em hay thích nước uống màu sặc sỡ như dâu, đỏ, xanh, vàng. Nếu cho con em uống nước ngọt, phụ huynh nên kiểm soát loại nước và số lượng nước ngọt khi trẻ uống. Nên chọn loại nước không màu, hoặc những loại khó làm màu giả như màu caramen. Một số loại nước màu sắc xanh, đỏ, vàng đều có thể dễ dàng tạo màu, thành phần màu không rõ nguồn gốc, hàm lượng. Ví dụ như có loại nước giải khát giới thiệu nước cam tươi nhưng màu lại quá thẫm, dạng vàng đỏ…

Đồng quan điểm, BS Phạm Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Thành An Nghệ An, dù chỉ có tác dụng giải khát trước mắt nhưng phía sau lại mang nhiều nguy cơ khi uống nước ngọt. Những người vốn đã bị bệnh tiêu hóa, uống nước ngọt có thể làm tăng bệnh do nước ngọt có chứa axit, chất tạo bọt… Nhiều người, chỉ sau khi uống nước ngọt vài phút đã bị đau bệnh dạ dày hơn. Người bị bệnh đường huyết, tuyệt đối không nên dùng nước ngọt.

Vì thế, theo các chuyên gia, các gia đình cần cân nhắc sử dụng nước ngọt ngày Tết một cách hợp lý và an toàn nhất. Người già phải biết bệnh của mình để tránh, trẻ em cần được bố mẹ hướng dẫn uống ít, tránh vì vui uống quá nhiều.

Hiền Hương

BẢN DESKTOP