Đời sống

Uốn cây con từ lúc còn non

Chị Lê Thị Đức giáo viên trường THPT chuyên Biên Hòa (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) có tới 29 năm đứng lớp. Vui buồn trong nghề đều có nhưng với chị, nghề giáo vô cùng đặc thù, yêu nghề nghề sẽ đem đến nhiều niềm vui.

Tự hào nghề “trồng người”

Chị Đức năm nay 51 tuổi, có hai con, 1 gái, 1 trai, chồng chị làm lái xe, công việc tất bật ngoài đường, trái ngược hẳn với nghề giáo của chị. Chị Đức dạy môn Giáo dục công dân, đây không phải môn học chính của học sinh nên chị không vất vả như các cô giáo khác.

Tuy nhiên, cũng vì không phải môn học chính nên chị càng phải chăm chút bài giảng, sao cho hấp dẫn với học sinh để đến tiết, học sinh nhìn thấy cô là thấy thư giãn và thích học. Được hỏi, năm nay môn của chị là một trong những môn  bắt buộc đối với học sinh thi tốt nghiệp, có áp lực nào khi dạy học môn này không, chị cười: “Tôi được đào tạo, được trang bị kiến thức, hàng năm lại được đào tạo lại, bồi dưỡng thêm nên giáo án tôi soạn liên tục được cập nhật phong phú.

Có một may mắn khác là tôi dạy trường chuyên nên các em rất ngoan. Kiểm tra học kỳ I vừa rồi, học sinh tôi dạy thấp nhất được 6 điểm, cao nhất được 9,5. Đây là thành tích rất tốt, không phải trường nào ở Hà Nam cũng đạt được đâu”.

Chị Lê Thị Đức (đứng thứ 2 từ dưới lên) chụp cùng các bạn đại học trong một lần đi chơi

29 năm dạy học, chị Đức có vô vàn kỷ niệm với sự nghiệp “trồng người”. “Nghề giáo thường xuyên tiếp xúc với con người, đó là đối tượng lao động đặc biệt. Là giáo viên, tôi giáo dục các em bằng nguyên tắc, bằng quy định và cả bằng tình cảm.

Tôi nhớ nhất khoảng năm 1999 lớp tôi dạy có một học sinh nam, bố mẹ bỏ nhau, em thiếu đi sự quan tâm của cả bố và mẹ nên mỗi khi đến lớp, em “xù lông” để khẳng định mình. Em mắc lỗi mất trật tự, không làm bài đầy đủ, như lẽ thường, em sẽ bị phê bình, bị kỷ luật, viết bản kiểm điểm nhưng tôi biết hoàn cảnh của em, tôi dùng tình cảm của cô trò để giáo dục em.

Tôi hỏi han cuộc sống của em, tìm hiểu tâm tư của em mà không đả động đến các lỗi. Ngày một, ngày hai tính khí em mềm mại hơn, có gì không rõ, cần tư vấn em đều chạy đến nhờ cô. Tôi cảm thấy, em coi mình như cha mẹ và tôi hiểu mình đã uốn lại được một chiếc cành cong.

Cuối năm đó các em ra trường, em học sinh đó cũng tốt nghiệp. Buổi cuối tôi phải trông thi ở một trường khác, cách xa trường tôi dạy mấy chục cây số. Cọc cạch chiếc xe đạp, tôi đạp đến trường để trông thi. Cuối buổi thi không ngờ em học sinh đó đã đi xe máy đến đón tôi.

Tôi ngạc nhiên hỏi, tại sao em lại đến trường đón cô ? Em nói, vì cô hay trông  thi nghiêm túc nên em sợ đến trường mới các bạn quây lại làm phiền cô. Sau này tôi còn biết, em đã vất vả để mượn chiếc xe máy đến đón tôi(!)”.

Dạy con phải uốn từng ly

Như người ta nói “dao sắc không gọt được chuôi”, ở nhà có hai con thì con trai chị Đức cũng vô cùng hiếu động. Cháu ít tự giác, mải chơi nên chỉ học ở mức trung bình. Không lẽ dạy con người được nhưng đến con mình thì chịu sao ?

Thời gian con học cấp 2, chị Đức bỏ các hoạt động đi bộ, tập thể dục để ở nhà kèm con. Mặc dù kèm rốt ráo nhưng sểnh ra là cu cậu lại vào máy tính để chơi. Khi bà nội trông thấy hỏi, cháu nói: “Con virut đang nhảy đây bà, vì thế cháu phải diệt nó giúp mẹ(?!)”.

Biết con ham điện tử nên chị kiểm soát chặt, thậm chí phải khóa máy và ép học. Kiểm soát được ở nhà thì ở trường con vẫn không nghiêm túc, thậm chí đánh lớp trưởng và cô giáo đã phải mời chị đến. Khác với những gì cô giáo chủ nhiệm đoán, chị Đức không lấy tư cách giáo viên để xin cho con.

Ngược lại, chị xin cô cho con nghỉ 1 tuần để suy nghĩ về hành động của mình. Trong một tuần đó chị cho con ở nhà lao động, rửa bát, quét dọn. Cùng là giáo viên với nhau, chị Đức nhờ người bạn là giáo viên dạy trường của cháu gọi điện cho cháu, nói sẽ bảo lãnh để cháu được tiếp tục học, kèm theo, cháu phải hứa học hành nghiêm túc. Sau sự việc đó, cu cậu thấm thía, tập trung học hành hơn. Từ cậu bé mải chơi, lười học, cháu đã thi đỗ ĐH Bách Khoa.

Khác với cách dạy con của nhiều gia đình là quát nạt, thậm chí đánh con, theo chị Đức, trẻ con như cây non, mỗi hôm mình uốn một tí thì mới thành công. Từ tấm gương của các con chị và học sinh của chị, người thân, bạn bè, hàng xóm đã gửi con cho chị kèm, phần là kèm kiến thức, phần dạy kỹ năng sống, cứ qua đợt hè cháu nào cũng ngoan, học giỏi, có hoài bão sống.

Hai con chị Đức giờ đã trưởng thành. Con gái lớn theo chồng định cư ở nước ngoài, con trai học ĐH Bách Khoa Hà Nội năm thứ hai thường xuyên gọi điện về hỏi thăm bố mẹ. Cuộc sống của nhà giáo không giàu vật chất nhưng mỗi khi nhìn cây đời do mình chăm chút lớn lên, trưởng thành, lòng chị Đức phơi phới xuân.

Đỗ Thị Hương

BẢN DESKTOP