Y học và đời sống

Ung thư khoang miệng di căn rất sớm

Trong ung thư khoang miệng việc phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh và thời gian sống sau điều trị càng cao. Tuy nhiên nếu phát hiện muộn, tiên lượng rất xấu do ung thư di căn sớm….

Ung thư cần phát hiện sớm.

Các giai đoạn ung thư khoang miệng

Theo TS.BS Nguyễn Huy Cảnh, Phụ trách Phó chủ nhiệm khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ung thư khoang miệng phát sinh không phải là một hiện tượng đơn thuần, mà là một quá trình phát triển chậm từng giai đoạn, do nhiều yếu tố.

Giai đoạn sinh vật có thể kéo dài 8 – 10 năm. Ở giai đoạn này chủ yếu là những biến đổi về gen, biểu lộ ở bào tương và nhân của tế bào.

Giai đoạn này rất khó phát hiện và hiện nay người ta đang tập trung nghiên cứu, một số người đã đề xuất điều trị ung thư dự phòng khi có những biến đổi ung thư ở gene.

Ví dụ cắt dự phòng ung thư vú như trường hợp của diễn viên Angelina Jolie khi phát hiện có gen BRCA1).

Giai đoạn tiền ung thư trong 1-2 năm (giai đoạn này bắt đầu biểu lộ ở mô thành tổ chức ung thư và bắt đầu có biểu lộ triệu chứng ra ngoài. Qua thăm khám sớm có thể phát hiện được.

Ở giai đoạn này thường là những ung thư tại chỗ, chưa có di căn nên có thể điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có thể chưa có biểu hiện triệu chứng gì nên cũng gây khó khăn trong phát hiện tổn thương.

Gian đoạn 3 là giai đoạn lâm sàng khi u đã to, đường kính khoảng 1 cm. Ở giai đoạn này, u có thể phát triển nhanh hay chậm, di căn sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào từng loại ung thư, giai đoạn này điều trị sớm vẫn có thể có kết quả tốt.

Theo vị chuyên gia, việc phát hiện sớm tiên lượng rất tốt do đó những tổn thương loét nhỏ ở miệng, tồn tại lâu trên 1 tháng nhất là những người trên 40 tuổi nên được làm sinh thiết để xác định tổn thương.

Không nên để đến lúc tổn thưởng đã sùi loét, thâm nhiễm thì giai đoạn bệnh cũng đã muộn và tổ chức ung thư đã đi căn thì hiệu quả điều trị sẽ rất thấp.

“Chỉ cần khám lâm sàng, làm các xét nghiệm tế bào, sinh thiết, bác sĩ chuyên khoa có thể xác định được tổn thương đang có là lành tính hay ác tính.

Nếu ác tính cần làm các xét nghiệm khác để xác định giai đoạn của bệnh như chụp CT, MRI hiện đại hơn là PET –CT, từ đó có định hướng cho điều trị bệnh”, TS.BS Nguyễn Huy Cảnh cho hay.

Phương pháp điều trị ung thư khoang miệng

Điều trị ung thư khoang miệng có nhiều phương pháp. Tuy nhiên, với những người được phát hiện sớm, phẫu thuật là phương pháp tốt nhất. Thường phẫu thuật cắt rộng tổn thương và nạo vét hạch vùng cổ.

Riêng ung thư lưỡi và sàn miệng, khuyến cáo nên vét hạch dưới hàm, dưới cằm và vùng cổ kể cả ung thư còn ở giai đoạn sớm, do những ung thư vị trí này di căn rất sớm.

Ngoài phẫu thuật người ta có thể sử dụng các phương pháp khác như xạ trị, hoá chất, miễn dịch…

“Trong điều trị có thể kết hợp một hay nhiều phương pháp để điều trị sao cho có hiệu quả cao nhất. Không có một công thức nào để chỉ dẫn điều trị ung thư, phải tuỳ từng ca cụ thể”, vị chuyên gia nói.

Hiện nay việc điều trị các ung thư trong khoang miệng rất khó khăn do tổn thương phức tạp. Khi mổ phải cắt rộng và nạo vét hạch triệt để thường để lại những khuyết tổ chức lớn, ảnh hưởng nhiều đến chức năng ăn uống, hô hấp nên phải sử dụng các vạt tổ chức để tạo hình và phục hồi lại những khuyết tổ chức đó ngay trong phẫu thuật. Đến nay, không nhiều bệnh viện tại Việt Nam làm được việc này.

Đặc biệt với những tổn thương ung thư lưỡi và sàn miệng, nếu không được tái tạo lại lưỡi và sàn miệng bệnh nhân sẽ rất khó khăn khi ăn uống, nuốt, giao tiếp phát âm dẫn đến chất lượng cuộc sống thấp.

Hà Linh

BẢN DESKTOP