Dinh dưỡng học đường

Ứng phó khẩn cấp tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em

  • Tác giả : ThS.BS Nguyễn Văn Tiến
(khoahocdoisong.vn) - Kon Tum là một trong 6 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng thiên tai, bão lũ tại khu vực miền Trung, ảnh hưởng đến điều kiện sống, bữa ăn của người dân, đặc biệt là của bà mẹ và trẻ em.

Để hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt, thiên tai đến tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, vừa qua được sự hỗ trợ của UNICEF, Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Kon Tum đã tổ chức lớp Tập huấn “Hưỡng dẫn triển khai hoạt động ứng phó khẩn cấp về dinh dưỡng “ cho cán bộ y tế của 4 huyện với gần 100 cán bộ y tế địa phương tham dự.

Cán bộ Trạm y tế xã tiến hành lập danh sách toàn bộ số trẻ từ 6 đến 59 tháng tuổi. Việc sàng lọc số trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính bằng thước đo vòng cánh tay. Những trẻ bị suy dinh dưỡng (SDD) nặng cấp tính là trẻ có chu vi vòng cánh tay dưới 11.5cm, chu vi vòng cánh tay từ 11.5 - 12.5cm là trẻ bị SDD cấp tính vừa và từ 12.5cm là trẻ bình thường. Toàn bộ trẻ có chu vi vòng cánh tay dưới 11.5cm thì đưa vào chương trình điều trị. Thời gian điều trị được xác định từ khi phát hiện trẻ SDD cấp tính đến khi thoát khỏi SDD (cân nặng tăng trở lại giới hạn bình thường). Trong thời gian thực hiện chương trình từ tháng 12/2020 - 4/2021, nếu phát hiện những trẻ bị SDD cấp tính mới sẽ được đưa vào điều trị.

Trẻ SDD cấp tính sẽ được cấp sản phẩm là RUFT – BP 100 tại trạm y tế và được cán bộ y tế theo dõi, kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng và dấu hiệu cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Ngoài điều trị phục hồi SDD nặng cấp tính cho trẻ từ 6 - 59 tháng tuổi, hoạt động này còn bổ sung đa vi chất cho trẻ từ 6 - 23 tháng tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, mỗi trẻ được cấp 40 gói đa vi chất, uống trong vòng từ 1 - 2 tháng. Bổ sung đa vi chất cho tất cả phụ nữ đang mang thai, phụ nữ mới có thai đến sau sinh 1 tháng, với liều dung 1 viên/ngày.

Trước đó, được sự hỗ trợ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tổ chức UNICEF, hoạt động can thiệp dinh dưỡng cho những đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tại 4 huyện: Trà Bồng, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Bình Sơn với tổng số 69 xã từ tháng 12 /2020 với các nội dung rất thiết thực như: Điều trị phục hồi dinh dưỡng cho trẻ SDD cấp tính, bổ sung đa vi chất cho phụ nữ mang thai và trẻ từ 6 - 23 tháng tuổi. Bánh RUTF được làm từ nguyên liệu tinh bột, từ các loại ngũ cốc, sữa bột, dầu thực vật. Thành phần dinh dưỡng có trong 100g bánh cung cấp 500Kcal (tương đương năng lượng có trong 2 bát cơm mà trẻ vẫn ăn), Protein chiếm 10 - 12% tổng năng lượng, chất béo chiếm 40 - 65% năng lượng tổng số và glucid chiếm 12.3 - 15.5% tổng năng lượng. Đặc biệt, bánh còn chứa khoảng 24 loại khoáng chất và vitamin quan trọng như vitamin A, vitamin C, vitamin K, vitamin E, sắt, kẽm, canxi, iốt…

Liều dùng với trẻ SDD nặng - cấp tính, mỗi ngày trẻ cần ăn đủ 6 miếng bánh (3 thanh) tương đương 200g, tương đương 2 gói HEBI do Viện Dinh dưỡng Quốc gia sản xuất hoặc sản phẩm RUTF nhập khẩu. Trẻ ăn bánh trực tiếp không cần chế biến, không nấu, không cần nghiền, không cần hòa tan hay pha loãng. Ngoài ra, trẻ còn được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng, thời gian bổ sung là 1 tháng, sản phẩm bổ sung là gói Bibomix do Viện Dinh dưỡng Quốc gia sản xuất, mỗi trẻ được cấp 1 hộp gồm 40 gói.

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng)

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến

BẢN DESKTOP