Dữ liệu y khoa

Ứng dụng laser trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

  • Tác giả : Phạm Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Ứng dụng laser trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới là phương pháp có tính thẩm mỹ rất cao, rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế biến chứng.

Cách phát hiện sớm bệnh 

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi chưa được xác định rõ ràng nguyên nhân, tuy nhiên, có một số yếu tố gây tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên khiến cho cho máu bị dồn xuống hai chân, tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.

Người bệnh thường không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ trong trường hợp giãn tĩnh mạch trong da, giãn tĩnh mạch dạng lưới hay giãn nhẹ thân tĩnh mạch, chủ yếu ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nếu bệnh để lâu và không được điều trị dần dần sẽ thấy cảm giác đau, nặng chân nhất là về chiều, tê, nóng rát, ngứa.

Phù chân nhẹ, thường là ở vùng cổ chân, nặng dần về chiều, sau một ngày làm việc, giảm khi nằm kê chân cao, tiếp xúc với lạnh hoặc mang vớ thun băng ép. Một số người bệnh thấy các dấu hiệu khác như chuột rút vào ban đêm, cảm giác mỏi chân.

Các thay đổi ở da do biến dưỡng như rối loạn sắc tố da, viêm da hạ bì, chàm hóa, teo da, loét…

Khi có các dấu hiệu đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thêm xét nghiệm siêu âm Doppler màu giúp xác định chức năng van của tĩnh mạch hiển, các nhánh xuyên, tĩnh mạch sâu. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, kết quả chính xác và có thể thực hiện nhiều lần.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng dần. Theo diễn tiến lâm sàng, bệnh được chia thành 2 giai đoạn:

Thời kỳ đầu (hay còn gọi là thời kỳ còn bù): Bệnh nhân có cảm giác tức, nặng và mỏi ở chi dưới khi đứng lâu, có thể xuất hiện phù nề nhẹ ở cẳng – bàn chân vào cuối ngày làm việc và đặc biệt khi nghỉ ngơi thì hết phù nề. Các tĩnh mạch nông ở chân giãn chưa nhiều, lúc giãn lúc không, các triệu chứng này phát triển ngày càng nặng lên, các quai tĩnh mạch nông giãn to thường xuyên.

Thời kì sau (thời kỳ mất bù): Thường xuyên có cảm giác tê chân, ngứa da vùng tổn thương, đau nhiều ở chân khi đi bộ. Triệu chứng phù nề không mất đi khi nghỉ ngơi. Các tổn thương da do loạn dưỡng xuất như: viêm da, xơ cứng da, loét

Phương pháp laser nội tĩnh mạch

Laser nội tĩnh mạch là phương pháp mới, ít xâm lấm, thời gian thực hiện và hồi phục nhanh trong điều trị suy – giãn tĩnh mạch nông mạn tính chi dưới. Bác sĩ sẽ  luồn sợi dây laser vào trong lòng mạch. Dựa trên nguyên lý chuyển năng lượng ánh sáng laser thành nhiệt tác động lên thành mạch làm hỏng lớp áo trong và áo giữa gây xơ hóa tĩnh mạch, từ đó loại bỏ đoạn tĩnh mạch suy ra khỏi hệ tuần hoàn.

Phương pháp này đặc biệt ý nghĩa trong những trường hợp bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nhưng không thực hiện được vì những yếu tố tâm lý, nguy cơ khi tê tuỷ sống hay gây mê, hoặc loét chân ngay vị trí rạch da khi phẫu thuật.

Các báo cáo trên thế giới về hiệu quả của laser nội tĩnh mạch trong điều trị bệnh suy – giãn tĩnh mạch nông chi dưới có tỉ lệ thành công khá cao, từ 97-100%.

Thành công được đánh giá dựa trên lâm sàng là không có tĩnh mạch nông giãn tái phát, giảm triệu chứng và trên siêu âm Doppler không thấy dòng trào ngược, tĩnh mạch hiển bị tắc hoàn toàn. Sau thủ thuật, bệnh nhân được quấn băng thun ép hoặc mang tất tĩnh mạch trong vòng 5 ngày. Bệnh nhân có thể xuất viện sau 2 giờ và được theo dõi sau điều trị 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị.

Chỉ định: Bệnh nhân có chỉ định điều trị khi có triệu chứng nặng chân khi đứng lâu, ngồi lâu; Có quai tĩnh mạch giãn; Siêu âm doppler mạch máu cho hình ảnh: đường kính tĩnh mạch hiển lớn ≥ 5mm, tĩnh mạch hiển bé ≥ 4mm và có dòng trào ngược.

Chống chỉ định: Bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch nông và sâu; Dị dạng mạch máu bẩm sinh; Rò động tĩnh mạch...

Cách phòng ngừa bệnh

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc, mọi người nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều, không nên ngồi liên tục trong thời gian dài, cần đi lại vận động vài phút trong khoảng thời gian làm việc từ 30 - 60 phút. Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp các động tác vận động chân như co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân... để máu lưu thông tốt hơn.

Về chế độ ăn và tập luyện: Nên ăn nhiều rau quả, chất xơ, vitamin kết hợp tập thể dục thường xuyên các môn như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, tập dưỡng sinh…Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần được khám sớm chuyên khoa mạch máu tại các bệnh viện, tránh để bệnh tiến triển hay có các biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

BS Ngô Tuấn Anh (Bệnh viện TƯQĐ 108)

Phạm Hằng

BẢN DESKTOP