Doanh nghiệp

Tỷ phú Jeff Bezos: Từ gã bán sách tới ngôi vị người giàu nhất hành tinh

Từ việc phải đích thân đi giao sách ở bưu điện, tỷ phú Jeff Bezos nay đã là người giàu nhất hành tinh, còn Amazon chính thức trở thành công ty thứ hai có giá trị vốn hoá đạt 1.000 tỷ USD.
Tỷ phú Jeff Bezos

Tỷ phú Jeff Bezos – CEO của Amazon và là người giàu nhất hành tinh. Ảnh: Fortune.

Amazon chính thức trở thành công ty thứ hai có giá trị vốn hoá đạt 1.000 tỷ USD, chỉ vài tuần sau Apple. Đứng đằng sau thành công này của Amazon, không ai khác ngoài tỷ phú Jeff Bezos – người luôn tin vào lý tưởng và tầm nhìn của bản thân.

Ngày 4/9, giá cổ phiếu Amazon niêm yết trên sàn NASDAQ lần đầu tiên cán mốc 1.000 tỷ USD. Sự kiện này đánh dấu chương mới trong lịch sử phát triển ngoạn mục của gã khổng lồ thương mại điện tử được Jeff Bezos sáng lập năm vào 1994 tại thành phố Seattle.

Trong gần 25 năm phát triển, Amazon đã góp mặt ở hầu hết các ngành hàng bán lẻ, thực phẩm, kênh video trực tuyến v.v.. Việc kinh doanh trên nhiều lĩnh vực đa dạng đã giúp doanh nghiệp này đạt doanh thu 178 tỷ USD năm ngoái. Nhờ đó, Bezos cũng trở thành người giàu nhất thế giới hiện nay, theo đánh giá của Forbes, với số tài sản ròng lên tới 167 tỷ USD.

Ông chủ của Amazon không sinh ra trong một gia đình tài phiệt. Cha của Bezos vốn là một kẻ vô công rồi nghề còn mẹ sinh ông ra khi bà mới… 16 tuổi. Có thể nói, không ai nghĩ cậu bé Jeff sau này có thể trở thành CEO của một tập đoàn thương mại điện tử sừng sỏ.

Trong những năm tháng trưởng thành, Bezos thường đến chơi nhà ông bà tại một trang trại ở Texas vào mỗi mùa hè. Năm 2010, ông từng kể trong một lần phát biểu tại đại học Princeton rằng bản thân từng “giúp sửa cối xay gió, tiêm chủng cho gia súc và phụ việc vặt”.

Ở trường cấp 3, Bezos luôn đạt điểm cao nhất và đứng đầu lớp. Ông nhanh chóng được nhận vào đại học Princeton nhờ thành tích học tập xuất sắc. Khi học đại học, ông vẫn luôn nghĩ mình sẽ trở thành một nhà vật lý lý thuyết. Phải mất nhiều năm sau đó, lúc đang làm một công việc tài chính tại thành phố New York, ông mới nung nấu ý tưởng về Amazon.

“Tôi phát hiện lượng sử dụng web mỗi năm tăng 2.300%. Tôi chưa từng thấy thứ nào tăng trưởng nhanh như thế. Ý tưởng xây dựng một hiệu sách online với hàng trăm đầu sách, điều bất khả với một nhà sách thực ngoài đời, đã kích thích tôi”, Bezos nói.

Lúc đó, Bezos chỉ mới 30 tuổi và vừa cưới vợ được một năm. Ông nói với vợ mình – bà MacKenzie – rằng, bản thân muốn nghỉ việc và làm một điều điên rồ mà có lẽ sẽ thất bại giống tất cả các startup khác. Một cái gật đầu từ phu nhân đã giúp Bezos chốt hạ mọi thứ.

Ở thời điểm khởi đầu, Amazon chỉ bán sách. Bezos đích thân chở hàng đến bưu điện bằng chiếc Chevy Blazer đời 1987 của mình. Bezos luôn được xem là một hình mẫu kết hợp hiếm có của sự lạc quan, lý tưởng và tầm nhìn. Năm 2003, trong khi đa số các công ty công nghệ khác vẫn chới với trong cơn bùng nổ của bong bóng dot-com, Bezos vẫn luôn tin tưởng chắc chắn vào tương lai của internet. Tại một chương trình TED Talk năm đó, ông nói “chúng tôi đã rất, rất nhanh chân”.

Ban đầu, Bezos và Amazon chỉ bán sách. Ảnh: Mashable

Tiếp sau sách, Bezos đưa thêm nhạc và video vào danh mục kinh doanh của Amazon. Ông tiếp tục khảo sát khách hàng xem họ còn mua thứ gì online từ thương hiệu bán lẻ này không. “Mọi người rất chú trọng vấn đề tiện ích”, Bezos nhận định. “Điều này đã khởi đầu cho sự mở rộng đến mọi loại hàng hoá, hàng điện tử, trang phục và nhiều thứ khác”.

Hiện nay, Amazon bán gần như tất cả mọi thứ. Amazon Web Services (AWS) hiện đang dẫn đầu với hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bên cạnh đó, công ty này cũng lấn sân vào ngành truyền thông, phát triển chương trình truyền hình và sản xuất phim ảnh. Năm ngoái, Amazon đã mua lại chuỗi cửa hàng thực phẩm Whole Foods với mức giá 13 tỷ USD, giúp Bezos bước chân vào ngành hàng thực phẩm. Sắp tới, công ty của vị tỷ phú này sẽ nhắm đến thị trường hàng hoá và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Tuy nhiên, ước mơ thật sự từ ngày thơ bé của vị tỷ phú số một thế giới này lại chính là vũ trụ bao la. Hiện tại, ông đang là nhà sáng lập của Blue Origin – công ty nhắm tới cung cấp dịch vụ du lịch không gian giá rẻ cho tất cả mọi người.

“Nếu tôi 80 tuổi, nhìn lại cuộc đời mình và thứ tôi đạt được là kích nổ cho phong trào khởi nghiệp của thế hệ tương lai tiến vào vũ trụ, tôi sẽ là một người vô cùng hạnh phúc”, ông nói.

Thái Duy (Theo DNSG)

BẢN DESKTOP