Hỏi: Hiện chúng em đang rất băn khoăn về kỳ thi đại học sắp tới, không biết nên chọn ngành mình thích hay chọn ngành để dễ đỗ, không quan tâm tới tương lai ra trường như thế nào? Mong được quý báo tư vấn.
Lê Thị Thảo (Thái Nguyên)
Trả lời: Năm nay các thí sinh vẫn có thể được đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển, không bị giới hạn số lượng nguyện vọng vào các ngành, các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, nếu nắm được nguyên tắc tuyển sinh và năng lực của bản thân, thí sinh chỉ cần 5 đến 6 nguyện vọng là có cơ hội trúng tuyển. Còn nếu không, đăng ký đến 20 nguyện vọng cũng khó vào được đại học.
Phải chọn đúng ngành yêu thích, không nên vì trường yêu thích mà lựa chọn ngành dễ đậu hay ngành “hot” nhưng lại không muốn theo học.
Thí sinh nên đăng ký đủ 3 nhóm trường đều có ngành mình thích: nhóm trường cao hơn năng lực, nhóm trường vừa tầm với năng lực và nhóm trường thấp hơn với năng lực để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. Để chắc chắn hãy chắc chắn rằng có 1 vài nguyện vọng vào những ngành/trường có điểm chuẩn các năm thấp hơn điểm của mình để đảm bảo cơ hội đỗ đại học.
Để có tỉ lệ đỗ đại học cao, thí sinh có thể làm theo cách sau:
Lập bảng danh sách các trường, các ngành mình đang quan tâm (nên căn cứ vào sự yêu thích, thế mạnh, cơ hội việc làm, phẩm chất cần có...)
Lựa chọn ra tầm 6 ngành/trường mà có điểm chuẩn năm trước dao động quanh điểm thi của mình (có thể dựa vào điểm trung bình của những đợt thi thử, năng lực học do bản thân tự đánh giá...).
Loại ra khỏi danh sách những trường có điểm chuẩn các năm trước quá cao so với điểm của mình. Chẳng hạn: Bạn được 20 điểm, bạn không nên đăng ký xét tuyển vào những trường mà các năm trước lấy 27-28 điểm.
Sắp xếp thứ tự các nguyện vọng ngành/trường theo sự ưa thích của bạn, ngành/trường nào yêu thích nhất để nguyện vọng 1, yêu thích vừa phải để nguyện vọng 2...
Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 hay 2, thí sinh vẫn còn cơ hội xét tuyển các NV3, NV4, NV5 …
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH)