Dữ liệu y khoa

Tuyến giáp cần gì?

  • Tác giả : Ths.BS Mai Văn Sâm
(khoahocdoisong.vn) - Tuyến giáp là bộ phận nằm ở vị trí giữa cổ, có vai trò sản sinh ra loại hormon quan trọng đối với sự phát triển bình thường của cơ thể, giúp điều khiển thân nhiệt, điều hòa nhịp tim và quá trình sản xuất năng lượng, duy trì cân nặng và sự trao đổi chất phù hợp cho cơ thể.

Tuyến giáp cần iốt để tổng hợp ra hormon tuyến giáp. Các chuyên gia thuộc Viện Y tế Hoa Kỳ đưa ra khuyến nghị lượng iốt hàng ngày như sau: 1 – 8 tuổi 90mcg; 9 – 13 tuổi 120mcg; Trên 14 tuổi150 mcg; Phụ nữ có thai 220mcg; Phụ nữ cho con bú 290mcg.

Iốt có từ muối trộn iốt, từ thức ăn như rong biển, hải sản, tảo biển, từ nước uống, từ sữa. Khi bị bệnh tuyến giáp phải phẫu thuật, người bệnh còn 1 thùy tuyến giáp mà bị suy giáp thì bổ sung đủ iốt là rất quan trọng. Cần lưu ý là bổ sung đủ vì thừa cũng không tốt, nếu có nhân giáp mà thừa iốt thì nguy cơ ung thư cao. Tất cả các bệnh nhân suy giáp đã có hormon tuyến giáp uống bù không nên quá lo lắng mà nên đến bác sĩ chuyên khoa để chỉnh hormon tuyến giáp phù hợp.

Trường hợp cắt toàn bộ tuyến giáp do lành tính thì uống hormon tuyến giáp đầy đủ là quan trọng nhất. Về dinh dưỡng, nên ăn uống cân đối là được. Trường hợp cắt toàn bộ tuyến giáp do ung thư tuyến giáp và bệnh đã ổn định (có thể coi là khỏi) thì uống hormon tuyến giáp đủ theo nhu cầu của cơ thể là quan trọng sống còn, giúp cơ thể khỏe mạnh và bệnh không tái phát.

Người bệnh không được để suy giáp (thiếu hormon giáp) trừ thời kỳ chuẩn bị uống xạ. Trường hợp đã cắt toàn bộ tuyến giáp do ung thư tuyến giáp mà bệnh chưa ổn định (còn nhu mô giáp nhiều, còn di căn hạch, còn di căn xa, nói tóm lại chưa khỏi bệnh) thì uống hormon tuyến giáp đủ theo nhu cầu của cơ thể là quan trọng sống còn. Theo dõi chỉ số xét nghiệm người bệnh thấy chỉ số TSH < 1 hoặc <0,5 càng tốt. Lúc này không cần bổ sung nhiều iốt vì cơ thể đã có hormon tuyến giáp uống ở ngoài vào rồi.

Hãy luôn nhớ với người suy giáp, thiếu hormon tuyến giáp mới là nguy hiểm, mới tái phát bệnh. Lúc này người bệnh nên ăn cân đối để các cơ quan khác, các bộ phận khác khỏe, chống đỡ với K giáp và các bệnh tật khác, chống đỡ với tác dụng của xạ. Khi điều trị bệnh, nhiều bệnh nhân quá chú trọng tới tuyến giáp mà quên đi các bệnh khác. Càng điều trị tuyến giáp càng phải giữ cho tim, phổi, gan, thận khỏe để vượt qua bệnh tật.

ThS.BS Mai Văn Sâm (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

Ths.BS Mai Văn Sâm

BẢN DESKTOP