Chị Nguyễn Thị P., 36 tuổi (Hưng Yên) là giáo viên, suốt ngày đứng bục giảng nên thấy chân đau chị nghĩ do bệnh nghề nghiệp, chỉ xoa bóp rồi thôi. Nhưng càng ngày chân trái của chị càng đau, không thể đi lại và gấp khớp gối được. Chị đi khám và bất ngờ khi bác sĩ kết luận chị mắc u tế bào khổng lồ.
Đáng sợ là khối u đã “ăn” gần hết khối lồi cầu ngoài chân trái (khớp gối trái), để lại khoảng rỗng trong xương rộng 10cm, dù trên bề mặt không gây ra bất kỳ triệu chứng sưng nào.
Lời bàn: TS Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Khớp, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, u tế bào khổng lồ của xương là loại thương tổn u khá thường gặp, chiếm khoảng 3 - 4% các u nguyên phát của xương, thường phát hiện ở người khoẻ mạnh ở giai đoạn 30 – 40 tuổi. U thường phát triển ở đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, đầu dưới xương quay, đầu trên xương cánh tay và xương cùng...
Khoảng 50% u xuất hiện ở xương vùng quanh khớp. U xương lành tính nhưng phát triển khổng lồ, không chỉ phá hủy khớp + xương mà còn xâm lấn các mạch máu và thần kinh, gây tiêu huỷ xương trên diện rộng khiến bệnh nhân không thể đi lại.
Vì vậy, khi thấy đau xương tăng dần cần đi khám. Đừng để đến khi thấy u phát triển ra phần mềm hoặc hạn chế vận động mới đi viện thì u đã phá hủy các tổ chức lân cận làm vỡ mạch máu, nguy cơ tử vong hoặc phải cắt cụt là rất lớn.