Bệnh nhân Nguyễn V.Th. ( Việt Trì, Phú Thọ) có chẩn đoán bệnh tăng huyết áp, nhưng không điều trị và khám bệnh định kỳ. Trước khi vào viện 1 ngày, người bệnh có các biểu hiện đau bụng kèm theo rối loạn tiêu hóa. Được nhập viện tại khoa Nội hô hấp tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Kết quả thăm khám cho thấy, nguyên nhân đau bụng là do lóc tách động mạch chủ, gây thiếu máu các tạng trong ổ bụng.
Bệnh nhân ngay lập tức được chuyển lên phòng can thiệp động mạch chủ qua da. Đây là phương pháp mới. Sau can thiệp 1 tuần sức khỏe của người bệnh hoàn toàn ổn định và được ra viện.
BS nội trú Đỗ Viết Thắng, Phó trưởng Đơn vị Can thiệp Tim mạch cho biết, đây là ca bệnh đặc biệt vì đoạn động mạch chủ lóc tách thấp, bị chồng lấp với các triệu chứng của bệnh lý tiêu hóa nên rất khó để phát hiện, chẩn đoán bệnh.
Quá trình can thiệp cũng gặp khó khăn vì lòng giả ép lòng thật của động mạch chủ gần như hoàn toàn, đoạn lóc tách xuống tận động mạch chậu 2 bên gây khó khăn cho việc mở đường vào tìm vị trí đưa dây dẫn vào đúng vị trí của lòng thật. Với sự quyết tâm, sau hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi đã can thiệp thành công cho người bệnh.
Theo BS nội trú Đỗ Viết Thắng, lóc tách động mạch chủ là tình trạng bị vỡ lớp nội mạc và lớp trung mạc của động mạch chủ, máu len giữa các lớp động mạch và bóc tách chúng tạo nên lòng giả động mạch. Với áp lực của dòng máu các lớp động mạch sẽ tiếp tục bóc tách dọc theo động mạch và chúng có thể tiếp tục làm rách lớp nội mạc động mạch.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán và điều trị song bóc tách động mạch chủ vẫn là một bệnh lý chết người với tỷ lệ tử vong cao. Tới 21% các trường hợp tử vong trước khi nhập viện.
Lóc tách động mạch chủ dễ tái phát, những yếu tố nguy cơ để xuất hiện lóc tách động mạnh chủ là tăng huyết áp, xơ vữa động mạch chủ, rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol máu, bệnh mạch máu di truyền (hội chứng marfan, chấn thương, có thai)...
Để tránh lóc tách động mạch chủ, những người có yếu tố nguy cơ cao như: tuổi trên 60, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người phình động mạch chủ cần tuân thủ điều trị huyết áp, bỏ thuốc lá, khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm. Khi có tiền triệu chứng như cảm giác mạch đập gần rốn, (trường hợp phình động mạch chủ bụng), đau ở vùng bụng hoặc ngực, đau lưng… thì nên thăm khám thường xuyên.
Khi có triệu chứng đau ngực như dao đâm hay đau xé ngực khó thở, đau lan ra sau lưng, xuống bụng kèm theo ngất, liệt 2 chi dưới cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.