Y học và đời sống

Tưởng đau bụng do dạ dày hóa suy tụy

Biểu hiện của viêm tụy mạn ban đầu là đau bụng dai dẳng, đau vùng thượng vị và hai bên hạ sau lưng giống với đau dạ dày, đau thần kinh liên sườn… nên nhiều người chủ quan.

Thăm khám cho bệnh nhân viêm tụy cấp.

Viêm tụy mạn là sự xơ hóa từ từ của nhu mô tụy, dẫn đến sự phá hủy ngày càng nặng nhu mô tụy, dẫn tới hậu quả suy giảm hoặc mất chức năng tụy.

Khoảng 80% viêm tụy mạn có liên quan với thói quen uống rượu, bởi rượu phá hủy trực tiếp nhu mô tụy, làm thay đổi tưới máu hệ thống mao mạch và tính thấm biểu mô của nhu mô tụy, là nguyên nhân gây tăng tiết protein, tạo các nút protein rồi canxi hóa trở thành sỏi trong ống tụy.

Bệnh hay gặp ở nam giới, trên 37 tuổi, có tiền sử uống rượu nhiều năm trước đó.

Ngoài ra, một số nguyên nhân làm bít tắc ống tụy cũng có thể gây viêm tụy mạn như: khối u tụy, tụy nhẫn, tụy có vách ngăn, nang ống mật chủ, chít hẹp ống tụy…, viêm tụy do tăng nồng độ canxi máu ở bệnh nhân cường giáp, sau nhiễm virus, do gen, do chấn thương…

Ở thanh thiếu niên (độ tuổi 20) và người già thường không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp do sỏi và giun chui ống tụy.

Khi chưa có biến chứng, dấu hiệu lâm sàng chính cảu viêm tụy mạn là đau bụng dai dẳng, tái diễn, đau vùng thượng vị, hai bên hạ sườn và sau lưng. Nhiều bệnh nhân khám bệnh được chẩn đoán nhầm là viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, đau cột sống, đau thần kinh liên sườn…

Một số bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, được phát hiện viêm tụy mạn tình cờ sau một đợt khám sức khỏe. Ở giai đoạn muộn, tùy theo các biến chứng mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau.

Chủ yếu là dấu hiệu đau bụng, người gầy sút, mệt mỏi, ăn uống kém, tiêu lỏng, mùi thối, tóc thưa, thiếu máu, phù nề, giảm trí nhớ…Bệnh tiến triển ngày một nặng dần.

Các biến chứng thường xảy ra trong 10 năm đầu. Đáng chú ý là trong 10 – 15 năm sau (1/3 số ca) do sự phá hủy các tuyến hết đau bụng, nổi lên các triệu chứng hấp thu kém và đái đường và thường gặp các biến chứng: u nang, chảy máu tiêu hóa, vàng da ứ mật, tràn dịch thanh mạc, màng phổi, áp xe tụy và khoảng 3% tiến triển thành ung thư.

Điều trị nội khoa viêm tụy mạn chủ yếu là giảm đau, điều trị biến chứng suy tụy ngoại tiết và suy tụy nội tiết. Chỉ định phẫu thuật viêm tụy mạn khi điều trị giảm đau bằng nội khoa không có kết quả, hoặc khi có các biến chứng như giãn ống tụy, giãn đường mật, chèn ép tá tràng gây tắc ruột, chèn ép mạch mạc treo, nang giả tụy…

Trong quá trình điều trị, thực hiện chế độ ăn rất quan trọng. Bệnh nhân cần ăn nhiều đạm hydratcarbon, ít mỡ, chia thành nhiễm bữa. Nếu đi phân mỡ nên ăn thay bằng dầu thưc vật.

BSCKII Vũ Đức Chung (Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354)

BẢN DESKTOP