Y học và đời sống

Tự nhìn lưỡi để chẩn bệnh cho mình

Lưỡi có quan hệ với tam, thận, tỳ, can. Cuống lưỡi đại biểu cho thận (hạ tiêu), giữa lưỡi là tỳ vị, đầu lưỡi là tâm phế, hai bên lưỡi là can đởm. Bình thường lưỡi sắc hồng, mềm mại, có hoặc không có rêu mỏng trắng, lưỡi biến đổi sẽ là biểu hiện bệnh. Dựa vào chất lưỡi, hình thể lưỡi và trạng thái vận động của lưỡi, rêu lưỡi có thể biết được bệnh trong cơ thể
lưỡi

Tự nhìn gương chẩn bệnh qua lưỡi

Chất lưỡi: Nhìn sắc màu của lưỡi biến đổi: nhợt, đỏ, đỏ sẫm hay xanh tím. Nếu sắc nhợt hơn bình thường là hàn hư thường là dương hư, khí huyết hư. Sắc đỏ hơn bình thường là nhiệt thực nhiệt hoặc hư nhiệt. Sắc đỏ thẫm là nhiệt thịnh – nhiệt vào dinh huyết, âm hư hỏa vượng. Sắc xanh tím khô là có nhiệt, nếu xanh tím nhuận là hàn, khí trệ huyết ứ, nếu có đám tím là có huyết ứ.

Hình thể lưỡi: Vân lưỡi thô là lưỡi lão thuộc thực nhiệt; Vân lưỡi nhỏ mịn là non thuộc hư, hư hàn. Lưỡi mọng là lưỡi to ra, kiêm trắng nhợt là tỳ thận dương hư; nếu kiêm đỏ hơn bình thường là thấp nhiệt nội ôn, nhiệt độc thịnh. Lưỡi mỏng gầy là lưỡi bé đi, kiêm nhạt hơn bình thường là khí huyết không đủ tâm tỳ hư, kiêm đỏ sẫm là âm hư nhiệt thịnh, tân dịch hao.

Lưỡi nứt, mặt lưỡi có kẽ nứt kiêm đỏ sẫm là nhiệt thịnh, kiêm nhạt trắng là âm huyết không đủ. Mặt lưỡi có gai, gai lưỡi nổi cao, to ra, khô là nhiệt tà thịnh, đầu lưỡi có gai là tâm hỏa thịnh, cạnh lưỡi có gai là can đởm hỏa thịnh, giữa lưỡi có gai là trường vị nhiệt thịnh.

Trạng thái vận động: Lưỡi mềm là kinh khí rối loạn; Ở bệnh cũ nhạt màu và mềm là khí huyết đều hư, đỏ sẫm và mềm là âm hư cực; Ở bệnh mới, đỏ khô và mềm là nhiệt đốt âm. Lưỡi cứng là bệnh nhiệt, do ngoại cảm thường là nhiệt nhập tâm bào, đờm thấp làm trở ngại ở trong hoặc nhiệt làm tổn thương tân dịch, nhiệt tà thịnh, hoặc tiền triệu (triệu chứng ban đầu) của trúng phong.

Lưỡi run, máy cơ ở bệnh lâu thường là âm huyết đều hư, khí dương suy, ở bệnh nhiệt ngoại cảm thường là nhiệt cực sinh phong, can phong nội động. Lưỡi lệch là trúng phong. Lưỡi rụt là bệnh nguy kịch, nếu nhuận là hàn ngưng ở cân mạch, nếu mọng lên là đởm thấp gây cản trở ở trong, nếu đỏ nhạt khô là bệnh nhiệt làm tổn thương tân dịch. Lưỡi thụt thò và liếm mép là tâm tỳ có nhiệt; lưỡi thụt thò thường là nhiệt độc tấn công tâm hoặc chính khí kiệt; liếm mép là tiền triệu của trúng phong hoặc trẻ phát dục chậm.

Rêu lưỡi: Rêu trắng là bệnh ở biểu có hàn; rêu trắng, nứt khô hoặc có tích phấn là nhiệt tà nội thịnh, tân dịch bị tổn thương; rêu lưỡi như tích phấn là thử thấp uế trọc nóng âm ỉ ở trong. Rêu vàng là bệnh ở lý có nhiệt, càng vàng thì nhiệt càng nặng, vàng đen là nhiệt kết; nếu kiêm lưỡi bệu non nhật là dương hư, thủy thấp không hóa. Rêu xám đen là chứng nhiệt, chứng hàn thấp, chứng hư hàn, nếu cáu khô là nhiệt tích làm tổn thương âm.

Chất rêu mỏng là bệnh nhẹ ở biểu. Rêu dầy là tà đã vào lý, ở lý có tích trệ. Rêu nhuận là tân dịch còn tốt, rêu nhiều nước là thủy thấp tích lại. Rêu khô là tân dịch hao, nhiệt cao làm tổn thương tân dịch, âm hư thủy suy. Rêu cáu, bẩn là thực nhiệt chứng hóa chất trọc của thức ăn ở vị. Rêu cáu ở giữa lưỡi, cạo không mất là thấp trọc thịnh. Rêu tróc từng mảng là khí âm ở vị không đủ, nếu rêu cáu là đờm trọc không hóa, chính khí bị thương, bệnh tình phức tạp. Không có rêu thường là vị âm khô.

GS Hoàng Bảo Châu (Nguyên Viện trưởng Viện Y học cổ truyền TƯ)

Từ Khoá

BẢN DESKTOP