Y học và đời sống

Từ cõi chết trở về, cụ bà nhồi máu cơ tim được cứu sống ngoạn mục

  • Tác giả : Thúy Nga
Người bệnh từ tuyến trung ương trở về trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, phải thở máy, huyết áp tụt nghiêm trọng... Nhờ sự quyết đoán và tận tâm của đội ngũ y bác sĩ tuyến tỉnh, bệnh nhân đã được cứu sống một cách ngoạn mục.

Tiên lượng rất nặng xin về từ tuyến trung ương

Theo đó, ngày 13/3/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận cấp cứu cụ bà Nguyễn Thị T. (73 tuổi, trú tại Thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, phải thở máy, huyết áp tụt nghiêm trọng.

Theo lời kể của người nhà, cụ T. bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau tức ngực, khó thở vài ngày trước khi nhập viện. Gia đình đã đưa cụ đến Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, tuy nhiên, cụ bất ngờ ngừng tuần hoàn và được khẩn trương cấp cứu bằng thở máy, đặt nội khí quản, sử dụng thuốc vận mạch, sau đó chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây, các bác sĩ tiên lượng tình trạng rất nặng, nên gia đình quyết định xin đưa cụ về nhà.

Tuy nhiên, khi về nhà, phát hiện cụ T. còn có phản xạ kích thích, với hy vọng “còn nước còn tát”, người nhà đã lập tức đưa cụ trở lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Tại Khoa Cấp cứu, cụ bà nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu (Glasgow 5 điểm), đang thở máy qua nội khí quản, huyết áp chỉ còn 60/40 mmHg. Các bác sĩ đánh giá đây là một trường hợp hôn mê sau ngừng tuần hoàn – sốc tim, nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp.

Từ cõi chết trở về, cụ bà 73 tuổi nhồi máu cơ tim hồi phục ngoạn mục - Ảnh BVCC

Từ cõi chết trở về, cụ bà 73 tuổi nhồi máu cơ tim hồi phục ngoạn mục - Ảnh BVCC

Quyết đoán can thiệp, giành sự sống từ tay tử thần

Trước tình trạng nguy kịch, các bác sĩ lập tức tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định chuyển người bệnh đến phòng can thiệp tim mạch để thực hiện chụp và can thiệp mạch vành khẩn cấp.

Tại phòng can thiệp, ê-kíp do ThS Giáp Văn Cương, Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch cùng các cộng sự tiến hành chụp DSA phát hiện động mạch vành phải bị tắc hoàn toàn, động mạch mũ hẹp nặng. Các bác sĩ đã nhanh chóng đặt một stent động mạch vành phải, tái thông dòng chảy mạch vành. Sau can thiệp, người bệnh được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để tiếp tục điều trị, theo dõi sát.

Hành trình hồi sinh kỳ diệu sau 1 tháng chiến đấu không ngơi nghỉ

BS.CKI Thái Văn Tiệp – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc chia sẻ: “Tình trạng của cụ T. rất nặng, tổn thương tim nghiêm trọng sau nhồi máu cơ tim, kèm theo diễn biến phức tạp của sốc tim sau ngừng tuần hoàn.

Có những thời điểm tưởng như không thể qua khỏi, huyết áp tụt sâu phải dùng kết hợp hai loại thuốc vận mạch liều cao để duy trì tuần hoàn. Cụ từng được cai thở máy, rút ống nội khí quản nhưng sau đó lại suy hô hấp trở lại, buộc phải đặt lại nội khí quản”.

Trong suốt hơn một tháng điều trị, cụ T. nhận được sự theo dõi sát sao, chăm sóc tận tình từ đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc. Nhờ sự kiên trì và nỗ lực không ngừng của cả ê-kíp và sự phối hợp chặt chẽ với gia đình người bệnh, cụ T. đã có những dấu hiệu hồi phục rõ rệt.

Đến ngày 8/4, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, thở oxy, các chỉ số sinh tồn ổn định. Hiện tại, cụ T. tỉnh táo, tự thở khí phòng, ăn uống qua đường miệng, tiếp tục được hỗ trợ vật lý trị liệu và dự kiến có thể xuất viện trong 1 – 2 ngày tới.

Trường hợp cụ Nguyễn Thị T. là minh chứng sống động cho thấy vai trò quan trọng của việc can thiệp kịp thời các bệnh lý tim mạch cấp tính, đặc biệt là nhồi máu cơ tim.

Đây cũng là thành quả đáng tự hào của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang – những người luôn sẵn sàng “gác lại tất cả” để giành giật sự sống cho người bệnh.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP