Giáo dục

Từ cô gái mê game đến thủ khoa tốt nghiệp

  • Tác giả : Hoài Thương
(khoahocdoisong.vn) - GOURVIET là dự án game mobile tái hiện hành trình xuyên Việt, để người chơi trải nghiệm những món ăn ngon trên khắp mọi miền đất nước. Dự án này là luận văn của sinh viên Nguyễn Trần Như Hạ, một cô gái mê game.

Từ đam mê chơi game...

Nguyễn Trần Như Hạ, sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, Trường Đại học Văn Lang vừa bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp với kết quả xuất sắc, 9.8 điểm. Đây là điểm số cao nhất của Khoa Thiết kế Đồ họa trong đợt bảo vệ này. Hạ cũng trở thành thủ khoa trong đợt tốt nghiệp lần này của nhà trường. Đồ án có tên GOURVIET, được Hạ hoàn thành trong gần 4 tháng. GOURVIET là dự án game mobile tái hiện hành trình xuyên Việt, để người chơi trải nghiệm những món ăn ngon trên khắp mọi miền đất nước.

nguyen-tran-nhu-ha-1-(1).jpg
Nguyễn Trần Như Hạ, sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, Trường Đại học Văn Lang.

Như Hạ quê ở Gia Lai. Tốt nghiệp THPT, Hạ lên TPHCM học chuyên ngành đồ họa truyền thống, Trường Đại học Văn Lang. Cô nhận ra rằng, nghệ thuật rất có ích cho công nghệ hiện đại, mà tiêu biểu là game – niềm say mê của cô từ khi còn nhỏ. Lên đại học, cô mới có cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về sở thích của mình. Hạ cùng một số người bạn học ngành đồ họa lập hội chơi game. Nhóm bạn chia sẻ các game mới khám phá, cách chơi mỗi loại game khác nhau sao cho hiệu quả.

Say mê chơi game, nhưng Hạ không làm bố mẹ phải lo lắng. Thành tích học tập luôn cao chót vót. Hạ từng nhận giải Honerable Award trong cuộc thi Aspac Tokyo (Nhật Bản) năm 2019 với tác phẩm đồ họa bao bì muối kiến – một đặc sản quê hương Gia Lai của cô. Đây là cuộc thi thiết kế bao bì quốc tế mà Hạ là 1 trong 2 đại diện của Việt Nam được giải.

Chơi game, say mê game không xấu. Hạ cho biết, có những lần, cô ngồi từ sáng đến tối để chơi loại game mình yêu thích. Với game mình yêu thích, cô sẵn sàng bỏ tiền để mua. “Mua như thế nghĩa là mình đang ủng hộ người sáng tạo game, để họ tiếp tục phát triển sản phẩm”, Hạ chia sẻ. Hạ thường chơi game liên minh, The Sims. Đồ án tốt nghiệp của cô, vì thế cũng gắn với game.

Với mục đích giả lập hành trình xuyên Việt để khám phá sự phong phú của ẩm thực Việt Nam, Hạ cho rằng game mobile là hình thức tiếp cận thị giác hiệu quả. Hình thức này vừa truyền tải kiến thức và văn hoá một cách sinh động, lại vừa mang tính giải trí cao.

Hạ giải thích, chữ “GOUR” nằm trong “gourmet”, nghĩa là giới sành ăn hoặc ẩm thực chuyên nghiệp và chữ “VIET” trong Việt Nam. Hạ muốn đặt tên tiếng Anh cho một game mobile thuần Việt. Cái tên chứa đựng đầy đủ, hoàn chỉnh ý nghĩa và nội dung của game. Hạ mong muốn, khi game có cơ hội phát triển rộng rãi, bạn bè trong và ngoài nước đều có thể ghi nhớ và hiểu rõ game qua cái tên này.

Mỗi chi tiết trong game đại diện cho một tầng lớp nghĩa rất Việt. Hạ dành khá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu về game, ẩm thực và cả thị hiếu khách hàng. Triển khai những ý tưởng thành phác thảo, vẽ artwork để lên kịch bản. Cuối cùng, xâu chuỗi các công đoạn lại để làm nguyên liệu xây dựng gameplay.

... đến mong muốn sở hữu game của riêng mình

Artwork trong game là phần Hạ đầu tư nhiều thời gian và công sức nhất. Để thiết kế nhân vật, Hạ đã tìm hiểu về ngoại hình, trang phục và nhân chủng học của người Việt Nam để có được tạo hình vừa hợp với thị hiếu trẻ trung, hiện đại nhưng nhất định phải giữ được đặc trưng của người Việt Nam. Có thể nhận thấy điều đó qua kiểu tóc, màu da, nét mặt hay đôi mắt của các nhân vật.

nguyen-tran-nhu-ha-game.jpg
Hình ảnh đồ họa trong game của Nguyễn Trần Như Hạ.

“Về các món ăn và giao diện khác, mình sử dụng vốn hiểu biết cá nhân và tình cảm đưa vào trong đó. Ổ bánh mỳ trong game thật ra là của cô bán bánh mỳ trước cổng trường cấp ba ngày xưa. Mình đã chọn một họa tiết trên khung sắt cửa sổ xưa, biến tấu một chút để làm key visual, rồi dùng hình ảnh đó trong khung thoại, khung UI (giao diện người dùng), bảng tên, nút bấm và pattern (hoa văn họa tiết) trong background (nền). Mình tin điều đó sẽ tạo nên một liên kết “ẩn” giúp cho game có sự thống nhất xuyên suốt trong cả phần hình ảnh và nội dung.

Về phần Gameplay, Hạ dựa theo một tựa game có tên Chef Wars và lấy cảm hứng từ bộ anime (phim hoạt hình) Vua Đầu Bếp Souma của Nhật Bản với những trận chiến ẩm thực nảy lửa. Để Việt hóa, Hạ thêm vào game các chức năng như muối dưa, lên men… Đồng thời, GOURVIET còn áp dụng quy tắc Ngũ Hành Tương Sinh trong văn hoá Việt để xây dựng hệ thống nguyên liệu, nhiệm vụ, thành tựu cũng như tính vị của các món ăn trong game.

Hiện ở GOURVIET, Hạ đã mô tả, tạo hình được 20 món ăn với các nhân vật quen thuộc như Cô Ba Sài Gòn hay Chú Tư Hủ Tiếu. Không chỉ là những NPC (nhân vật không phải người chơi), với chức năng đơn thuần, họ còn giúp người chơi hình dung được ngoại hình, trang phục và phương ngữ, tính cách của người Việt Nam theo mỗi vùng miền một cách trực quan và sinh động. Với những món ăn Hạ chưa từng thưởng thức, cô có thể tái hiện lại bằng phong cách của mình qua hình ảnh sưu tầm trên mạng internet hay các tài liệu khác.

So với quy mô của một game, số lượng món ăn trong GOURVIET hiện còn rất nhỏ. Để trở thành game có thể phát hành, cô cho biết sẽ phải hoàn thiện khoảng 1.000 món ăn trên khắp các vùng miền. Để vận hành lượng công việc lớn như thế, cần có một đơn vị đầu tư và đội ngũ người làm đông đảo.

Nguyễn Như Hạ cho biết, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cô sẽ nhận bằng tốt nghiệp. Sau đó, cô sẽ theo đuổi sự nghiệp phát triển game. Hạ hy vọng sẽ có nhà đầu tư để game GOURVIET được phát hành trong tương lai. Tránh trường hợp bị đánh cắp ý tưởng, cô chưa thể mô tả chi tiết cách chơi game và các thành phần có trong game. Nhưng Hạ tin rằng, đây là một game tiềm năng, có thể phát triển rộng rãi, đem lại giá trị cao.

Hạ chia sẻ, trong khoảng thời gian giãn cách này, cô sẽ tiếp tục hoàn thiện những kỹ năng và kiến thức của bản thân. Hết dịch Covid-19, cô sẽ tìm cơ hội phát triển niềm đam mê làm đồ họa cho game trong tương lai, viết tiếp câu chuyện về hành trình khám phá ẩm thực.

Hoài Thương

BẢN DESKTOP