Nghỉ ngơi: Mất khoảng một đến hai ngày để các mô tổn thương bắt đầu hồi phục, điều này sẽ làm giảm đau và co cơ. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến yếu cơ và cơ yếu sẽ phải gắng sức sau khi hồi phục để có thể lấy lại cơ lực như ban đầu.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa tư vấn cho bệnh nhân cách tự chăm sóc đau cứng cổ. |
Liệu pháp nhiệt lạnh hoặc nóng: Sử dụng gói nước đá có thể làm giảm hầu hết các cơn co cứng cổ nhờ làm giảm viêm cục bộ. Áp đá vào trong vòng 24 - 48 giờ đầu mang lại lợi ích trong việc giảm viêm. Ngược lại, áp nóng vào cổ để thúc đẩy máu lưu thông, hỗ trợ cho việc phục hồi tốt hơn. Bạn có thể sử dụng luân phiên hai liệu pháp này để cho kết quả tốt hơn.
Sử dụng các loại thuốc không theo đơn: Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) được sử dụng để giảm viêm, từ đó giảm cứng và đau cổ. Các loại NSAID thông thường là ibuprofen (như Advil, Motrin) và naproxen (như Naprosyn). Ngay cả thuốc kê không theo đơn cũng có nguy cơ mang lại phản ứng phụ hoặc các tương tác thuốc, do đó bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Kéo căng nhẹ nhàng: Giúp giảm bớt độ cứng và vận động một cách tự nhiên hơn. Đối với nhiều người, có thể cần sự trợ giúp của một chuyên gia vật lí trị liệu hoặc các chuyên gia ở các lĩnh vực khác.
Tập thể dục Aerobic: Bất kỳ hình thức Aerobic nào cũng hữu ích trong việc giảm các cơn co cứng. Ngay cả đi bộ cũng hữu ích trong việc giảm các cơn co cứng, tăng tuần hoàn oxy lên các mô mềm cạnh sống, từ đó thúc đẩy quá trình hồi phục.
Việc chăm sóc, điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của căng cơ hoặc bong gân. Sự kết hợp khác nhau của các phương pháp điều trị có thể khiến việc phục hồi được nhanh chóng hơn. Thử nghiệm sẽ rất cần thiết để tìm ra kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho từng trường hợp cụ thể.
Đầu tiên ta phải thực hành một tư thế tốt, bắt đầu hình thành thói quen giữ tư thế đúng để ngăn ngừa đau nhức, ví dụ nâng vật nặng bằng chân thay vì lưng, ngủ ở tư thế nghiêng... để giữ cho cột sống thẳng và giảm thiểu căng cơ ở cổ.
Giữ cơ cổ mạnh và linh hoạt. Khi cơ cổ mạnh và linh hoạt, chúng có thể giữ đầu vai ở tư thế đúng, các cơ ít bị co thắt và giảm đau. Một nhà trị liệu vật lí hoặc chuyên gia y tế có thể thiết kế cho mỗi người những bài tập cổ thích hợp, sau đó người bệnh có thể duy trì sức mạnh và sự linh hoạt bằng cách tiếp tục thực hiện các bài tập đó thường xuyên ở nhà.
Ngoài việc giảm nguy cơ cổ cứng trong thời gian ngắn, duy trì cơ cổ khỏe mạnh, mềm mại và thực hiện tư thế tốt cũng có thể giúp giữ cho cột sống cổ khỏe mạnh hơn.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)