Sản phẩm mới

Tủ bảo quản văcxin sinh phẩm “Made in Vietnam”

  • Tác giả : Nhã Linh
Tủ bảo quản văcxin sinh phẩm đáp ứng tiêu chuẩn WHO/PQS/E003 (5/2010), có ưu điểm vượt trội so với các thiết bị trên thị trường hiện nay.

Với mong muốn chế tạo tủ bảo quản văcxin sinh phẩm “Made in Vietnam”, TS Lê Xuân Tuấn, giảng viên Viện KH&CN Nhiệt – Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu và hoàn thiện tủ bảo quản văcxin đáp ứng tiêu chuẩn WHO/PQS/E003 (5/2010), có ưu điểm vượt trội các thiết bị trên thị trường hiện nay như: không bám đá, không phải bảo dưỡng, độ dao động nhiệt độ ± 1,0 °C, độ đồng đều nhiệt độ ± 1,0 °C, sản xuất trong nước. Đây cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam chế tạo sản phẩm chuyên dụng này.

Năm 2010, TS Lê Xuân Tuấn ( chuyên ngành kỹ thuật nhiệt và chuyên môn sâu về máy và thiết bị nhiệt lạnh) đã tham gia dự án “Tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng” do Chính phủ Đại công quốc Luxembuorg viện trợ.

Trong quá trình tham gia dự án, ông nhận thấy các thiết bị bảo quản văcxin còn một số những hạn chế như bám đá bề mặt trong tủ gây ảnh hưởng tới chất lượng văcxin, độ dao động nhiệt độ ± 4,0 °C, độ đồng đều nhiệt độ ± 3,0 °C, phải bảo dưỡng định kỳ. Bên cạnh đó, khi hỏng hóc linh kiện sửa chữa thay thế có giá thành cao, cũng như thời gian nhập khẩu dài.

Môi trường bảo quản lạnh có khả năng ổn định nhiệt ẩm là  lý tưởng cho các sản phẩm bảo quản văcxin, máu, sinh phẩm từ máu, thuốc, dược liệu… Thông số ổn định và đồng đều nhiệt độ, độ ẩm là rất khó đạt được với các hệ thống thông thường. Hơn nữa, với thông số bảo quản lạnh ở chế độ gần điểm băng càng khó thực hiện.

Để đạt được môi trường như trên, đều phải sử dụng thiết bị lạnh chuyên dụng là các buồng vi khí hậu, tuy nhiên giá thành lại rất cao cũng như năng lượng tiêu hao lớn và khả năng chạy liên tục dài ngày trong quá trình bảo quản là khó khăn.

Sau thời gian nghiên cứu và tham khảo các sản phẩm của nước ngoài, TS Lê Xuân Tuấn và các cộng sự đã bắt tay chế tạo tủ bảo quản văcxin sinh phẩm “ Made in Việt Nam” đáp ứng tiêu chuẩn WHO/PQS/E003 (5/2010) và có ưu điểm hơn các thiết bị trên thị trường hiện nay như: không bám đá, không phải bảo dưỡng, độ dao động nhiệt độ ± 1,0 °C, độ đồng đều nhiệt độ ± 1,0 °C. Thời gian trữ lạnh trong tủ khi gặp sự cố mất điện có thể duy trì từ 2 – 8°C trong vòng 40 giờ sau khi mất điện.

Tủ lạnh bảo quản văcxin thành phẩm có dung tích 130 lít đạt tỷ lệ nội địa hóa gần 80%. Sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao so với các sản phẩm cùng loại được cung cấp tại thị trường Việt Nam về mặt giá thành. Có thể so sánh giá tủ nhập ngoại từ Đan Mạch với công suất 126l có giá lên tới hơn 100 triệu đồng nhưng với tủ bảo quản văcxin Made in Việt Nam có giá 30 triệu đồng.

TS Lê Xuân Tuấn cũng chia sẻ thêm công nghệ này có tiềm năng được áp dụng rộng rãi trong đời sống và cả trong các nghiên cứu khoa học. Trong y học, sản xuất văcxin, thuốc và sinh phẩm thì tủ bảo quản là một khâu không thể thiếu.

Đặc biệt trong bảo quản máu và sinh phẩm từ máu, nếu không có thiết bị tin cậy, đảm bảo thì ảnh hưởng rất lớn tới các khâu chữa bệnh của ngành y. Do đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện đa khoa phải trang bị tối thiểu 1 tủ để bảo quản máu và sinh phẩm máu. Ngoài ra, tủ còn sử dụng để nuôi cấy mô hoặc lên men ...

Trong bảo quản nông sản, các sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao như đông trùng hạ thảo, tảo, rong nho, nấm hay các loại rau quả có giá trị cao cũng cần được bảo quản phù hợp.

Tủ bảo quản vắc xin do TS Lê Xuân Tuấn sáng chế đã lọt Top 20 giải pháp sáng tạo, công nghệ đồng hành chương trình Tìm kiếm và kết nối các giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch Covid-19 tại TPHCM.

Nhã Linh

BẢN DESKTOP