Trong nước

Truyền huyết thanh kháng nọc tại tuyến tỉnh cứu sống bệnh nhân bị rắn cắn

  • Tác giả : Thúy Nga
Thay vì phải chuyển từ tỉnh lên tuyến trung ương để truyền huyết thanh, hiện tại nhiều bệnh viện tỉnh đã có loại thuốc hiếm này để kịp thời cứu sống bệnh nhân bị rắn cắn.

Đây là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỉ lệ tử vong.

Người bệnh rắn cắn nguy kịch được cứu sống ngay tại tuyến tỉnh

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa cứu sống người phụ nữ 59 tuổi (Yên Đức – Đông Triều) bị rắn lục cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau nhức, sưng nề cẳng chân phải. Người bệnh được chỉ định làm các xét nghiệm đông máu tại giường và xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu. Kết quả cho thấy người bệnh có rối loạn đông máu nặng, tiểu cầu giảm. Căn cứ vào các kết quả xét nghiệm và khám lâm sàng, các bác sĩ đã hội chẩn toàn viện. Sau hội chẩn, thống nhất sử dụng huyết thanh kháng nọc đặc hiệu cho người bệnh...

Các bác sĩ bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, trước đây những người bệnh bị rắn hổ mang và rắn lục cắn thường phải chuyển về Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vì không có huyết thanh kháng nọc rắn.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân bị rắn cắn - Ảnh: BVCC

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân bị rắn cắn - Ảnh: BVCC

Hiện tại ở Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã triển khai điều trị huyết thanh kháng nọc ở một số loại rắn thường gặp như: rắn lục, rắn hổ mang… Đây là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỉ lệ tử vong.

Tương tự, người bệnh N.T.T.H (38 tuổi, địa chỉ tại Thanh Sơn, Phú Thọ) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân tại vườn nhà. Sau khi đến trung tâm y tế huyện cấp cứu, người bệnh tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để được sử dụng huyết thanh kháng nọc điều trị đặc hiệu.

Thời điểm tiếp nhận tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, người bệnh hạn chế vận động, vết cắn ở ngón chân phải có chảy máu, quanh vết cắn tím, ngón chân và mu chân sưng nề, tấy đỏ, đau nhức nhiều, xuất huyết dưới da niêm mạc nhiều vị trí. Kết quả xét nghiệm có dấu hiệu của tình trạng rối loạn đông máu.

Cùng với hình ảnh con rắn đã cắn người bệnh do gia đình cung cấp, các bác sĩ đã chẩn đoán người bệnh bị rắn lục đuôi đỏ cắn giờ thứ 3 và ngay lập tức đưa ra phác đồ chống độc đặc hiệu bằng huyết thanh kháng độc: 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục đã được sử dụng để kháng độc kết hợp kháng viêm, giảm đau, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng, truyền dịch, truyền chế phẩm máu,…

Sau 24 giờ tích cực cấp cứu điều trị theo phác đồ đặc hiệu, tình trạng toàn thân và rối loạn đông máu đã được cải thiện rõ rệt, vùng chân phải bớt sưng nề.

Sau 7 ngày điều trị, sức khỏe của người bệnh đã ổn định, kết quả xét nghiệm máu đã trở về bình thường và được xuất viện.

TS. BS. Hà Thị Bích Vân, Trưởng Khoa Cấp Cứu, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, điều trị rắn cắn hữu hiệu nhất là huyết thanh kháng nọc rắn. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 6h đầu. Tuy nhiên trong 24h đầu vẫn có hiệu quả.

Vì vậy, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng bị hoại tử tay chân, rối loạn đông máu, nhiễm trùng máu, thậm chí bị tử vong.

Điều trị rắn độc cắn chủ yếu là huyết thanh kháng nọc rắn. Tuy nhiên, không nhiều cơ sở y tế sở hữu huyết thanh kháng nọc rắn vì số lượng khan hiếm trên thị trường.

Trước đây, khi bệnh nhân bị rắn cắn phải chuyển đến Trung Tâm chống độc Bạch Mai để truyền huyết thanh, từ cuối năm 2021 Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã triển khai điều trị rắn độc cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang và rắn lục . Đến nay, gần 100 trường hợp bị rắn cắn trên địa bàn đã được điều trị kịp thời mà không cần phải chuyển lên tuyến trên”.

Mùa rắn cắn: Sơ cứu đúng và nhập viện sớm tránh tử vong

Tại Việt Nam, phổ biến loại rắn độc đặc trưng gồm rắn hổ mang, rắn cạp nong, cạp nia, rắn lục,…Mỗi loài rắn khác nhau có đặc trưng về độc tính của nọc khác nhau. Khi bị cắn, người bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau phụ thuộc vào loài rắn, vị trí vết cắn, rắn no hay đói…

Vào thời điểm mùa mưa, số bệnh nhân bị rắn cắn lại gia tăng do giai đoạn sinh nở, phát triển trong năm, đặc biệt các loài rắn độc. Tình trạng biến đổi khí hậu và phá vỡ môi trường sống của rắn nên chúng phải “tìm đường” khác để trú ẩn và kiếm ăn trong các khu vườn, tán cây, bụi cỏ,…gần dân cư sinh sống.

TS.BS.Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết:Vết cắn của rắn lục đuôi đỏ thường gây chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Nọc độc của loài rắn này chứa hơn 20 thành phần khác nhau, có khả năng tác động lên hệ tuần hoàn gây rối loạn đông máu, sưng nề, hoại tử; hoặc gây ra hiện tượng tan máu, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch…

Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim và nguy hiểm đến tính mạng.

Do đó, khi bị rắn độc cắn, cần hạn chế tối đa vận động để không làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể.

Sử dụng huyết thanh kháng nọc để điều trị người bệnh bị rắn cắn là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỉ lệ tử vong.

Vì vậy, người dân khi bị rắn cắn phải khẩn trương sơ cứu và nhanh chóng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để thăm khám và điều trị kịp thời.

Một số lưu ý để tránh bị rắn cắn:

Cần phát quang bụi rậm quanh nhà, giữ môi trường, nhà cửa sạch sẽ: Dọn sạch các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, tổ mối, nơi nuôi các động vật của gia đình.

Không nên ngủ dưới nền đất.

Khi làm vườn nên mang ủng và bao tay.

Mang ủng cao khi đi vào rừng, khua gậy trước khi đi qua bụi rậm, khu vực nhiều cỏ.

Dùng đèn nếu di chuyển vào ban đêm.

Có thể trồng sả hoặc nuôi chó, mèo để hạn chế rắn xuất hiện.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP