Khám phá

Trương Công Giai – Tài đức vẹn toàn – kỳ 3: Tấm gương rực sáng

Tấm gương rực sáng của

Hình minh họa.

Hai triều vua sáng danh vinh hiển

Khi Trương Công Giai mất, vua Lê Dụ Tông đã viết câu đối về ông như sau: Trung thần hiếu tử thông minh thuở cầu thi sinh đắc sinh, trường sinh khả ái – Tiến sĩ thượng thư tài chí bất nghi tử nhi tử kỳ tử giã thương.

Có nghĩa là: Trung thần hiếu tử thông minh thuở cầu thi sinh đã sinh mong trường sinh mến mãi – Tiến sĩ thượng thư tài trí, chưa nên tử đã tử, nay bất tử thương ôi!

Chúa Trịnh Cương viết: Kỷ miền sơn hải phụng trì an đắc vị trung thần hiếu tử – Nhất đáng tang thương để cục nan tầm suy nhục hoàn y quan.

Có nghĩa là: Bao năm thờ phụng núi sông, được yên tĩnh trung thần hiếu tử – Một sớm tang thương buồn não khó bình tâm thay áo đổi y.

Hồ Phi Tích (Lại bộ tả thị lang thời vua Lê Hy Tông) viết bài thơ nhan đề Trương Thượng thư có nội dung như sau: Sáu mươi ba tuổi đón lên tiên – Bóng hạc tùng mây thoả ước nguyền – Phúc đức tôn hiền nên phúc hậu – Quang vinh trọng nghĩa hoá ân tuyền – Hai triều vua sáng danh vinh hiển – Muôn thuở trời xanh chí lan truyền – Chiêm ngưỡng dung nhan trà lính ấy – Vườn xưa, người đấy hỡi linh thiêng!

Triều Khải Định năm thứ 9, ngày 25/7/1924 đã ban sắc phong cho Trương Công Giai để thờ phụng tại đình làng Trà Châu, Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam.

Đầu năm 2004, tỉnh Hà Nam xuất bản cuốn sách Thượng thư tiến sĩ Trương Công Giai của Trần Tuấn Đạt. Tỉnh còn giao cho huyện Thanh Liêm và xã Thanh Tâm cấp đất xây dựng nhà bia tưởng niệm nhân vật lịch sử văn hoá Thượng thư Tiến sĩ Trương Công Giai tại thôn Kho Núi, xã Thanh Tâm.

Ngày 2 tháng Chạp năm 2006, lễ cắt băng khánh thành nhà bia tưởng niệm đã được tổ chức chu đáo long trọng với sự tham dự của đông đảo con cháu dòng họ Trương từ khắp nơi về hội tụ.

Đây không chỉ là nơi thờ phụng tổ tiên của con cháu dòng họ Trương từ khắp mọi miền đất nước tìm về và tự hào ngưỡng mộ mà còn là địa chỉ truyền thống văn hoá lịch sử trên quê hương Hà Nam.

Tấm gương rực sáng

Có thể nói, trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, họ Trương là dòng họ hiếu học, có nhiều đóng góp cho đất nước. Qua thống kê bước đầu cho thấy, họ Trương đã đóng góp cho đất nước hơn hai mươi vị đại khoa dưới các triều đại quân chủ.

Số lượng không nhiều nhưng các vị đại khoa họ Trương đạt được hầu hết các học vị khoa bảng từ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa đến Phó bảng.

Nhiều vị đại khoa đã nắm giữ những cương vị quan trọng nhất trong triều đình như Tể tướng, Thượng thư, có nhiều vị là những danh nhân văn hóa, nhà sử học, nhà thơ, nhà chính trị, ngoại giao… để lại cho dân tộc nhiều công trình văn hóa tiêu biểu, trong đó có tiến sĩ Trương Công Giai.

Ông là một trong ba tiến sĩ trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến và cũng là một trong những vị Tế tửu Quốc Tử Giám, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

Trương Công Giai có 43 năm trong quan trường và có tới một nửa thời gian giữ các trọng trách của triều đình. Ông đã nhận thức được vị trí quan trọng của người làm quan trong xã hội. Đồng thời đã nêu cao quan điểm cùng cách hành xử của mình về người làm quan đối với triều đình, với xã hội và với dân chúng.

Chính vì vậy mà người đương thời đã tôn vinh Trương Công Giai là người tài đức vẹn toàn, tấm gương rực sáng tiêu biểu cho con cháu đời đời thế thế noi theo. Còn các nhà nghiên cứu thời này khẳng định, ông là một vị quan thanh liêm, cương trực, suốt đời vì nước vì dân.

 Nguyễn Bảo Nam

BẢN DESKTOP