Khám phá

Trương Công Giai – tài đức vẹn toàn – kỳ 2: Làm quan để giúp vua, giúp đời

Làm quan để giúp vua, giúp đời, trong suốt 43 năm quan trường,

• Trương Công Giai – tài đức vẹn toàn

Nhà bia tưởng niệm Thượng thư Trương Công Giai.

Quan tiết bất đáo

Sách Lịch triều tạp kỹ còn ghi: Tháng 3 năm Đinh Hợi (1707) phong tự khanh Trương Công Giai làm Công bộ Hữu Thị lang (chức thứ ba sau Thượng thư và Tả Thị lang, chuyên lo các ngành công thương nghiệp của đất nước).

Tháng 3 năm Tân Mão (1711), Trương Công Giai giữ chức Phó đô Ngự sử sau đó được tiến ngay lên chức đô Ngự sử (quyền cao nhất của Ngự sử đài chuyên lo can gián vua hoặc luận tội bá quan văn võ trong triều).

Năm Mậu Tuất (1718), Đô Ngự sử Trương Công Giai được cử làm chi cống cử nhập kỳ thi diên bội tung, Thượng thư giám cẩm Sơn Nam (chủ khảo thi Hương chọn cử nhân, duyệt đề và chấm thi…), chức Thượng trụ quốc thượng trật tướng công (là chức quan Đại đô đốc hàm Phiêu kỵ thượng tướng quân, quản lý việc giữ an ninh cho quốc gia). Tháng 6 năm Canh Tý (1720), ông được phong chức Thượng thư bộ Hình…

Trong suốt 43 năm làm quan, Trương Công Giai là người liêm khiết, trong sáng, tận tụy, luôn nêu cao quan điểm làm quan để giúp vua, giúp đời, khiến trong triều ngoài nội đều khen ngợi, phục vụ quốc gia thời thịnh trị dưới đời vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông, đời chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương, duy trì được công bằng lẽ phải, để lại nền nếp nền tảng cho hậu thế.

Quan điểm sống và làm quan xuyên suốt trong cuộc đời ông, thể hiện trong bức đại tự thờ bốn chữ: “Quan tiết bất đáo” có nghĩa là quan thanh liêm và khí tiết, không nhận của gian phi. Đó là lời răn dạy cho tất cả những người làm quan quyền chức. Ông còn để lại những áng thơ văn, câu đối, thật sâu sắc và ý nghĩa.

Lấy nghiêm khắc giữ nếp nhà

Trương Công Giai làm quan, phục vụ đất nước trải qua nhiều trọng trách khác nhau, từ Tự khanh, Đô ngự sử đến Công bộ Thượng thư, Hình bộ Thượng thư, được phong tặng tước lỵ Quận công, khi mất được tặng hàm Thiếu bảo.

Đặc biệt, ông có thời gian dài kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám (hiệu trưởng), đã có nhiều đóng góp cho Quốc Tử Giám, cho nền khoa cử giáo dục Việt Nam trong giai đoạn Lê – Trịnh cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.

Trương Công Giai xứng đáng là một vị quan, một người thầy cho thế hệ sau phấn đấu, học tập, là một nhà khoa bảng tiểu biểu của họ Trương Việt Nam.

Con trai trưởng của Trương Công Giai là Triều liệt Đại phu Quan Tiến lộc Trương Luận Xuyên đã chép về người cha của mình như sau: “Cụ có phong thái đoan trang, kỳ vĩ, thần thái ung dung, mặt tựa tô son, đứng ngồi đĩnh đạc, ôn hòa từ ái, cần kiệm, thanh cao. Cụ lúc nhỏ được gọi là Thần đồng, khi lớn dốc lòng theo đạo Nho. Cụ làm quan trong sạch, cần cù. Lấy lòng hiếu đễ thờ cha mẹ, lấy nghiêm khắc giữ nếp nhà. Thờ vua tận tụy, trong triều ngoài nội đều giữ tiếng khen. Thực đáng người hiền, tiếng thơm lưu truyền hậu thế”.

Trương Công Giai mất ngày mồng 8 tháng 2 năm Mậu Thân (1728) thọ 63 tuổi, thi hài được ướp quàn tại viện Thiên Thanh. Sau 100 ngày mới đưa về quê cho dân làng và gia tộc kính viếng. Bảy ngày sau mới đưa lên an táng tại lưng núi A Hồ (Thiên Hồ – Trà Xuyên – Thanh Liêm). Tên chữ của ông là Đoan Lượng nên khi mất được vua ban tên thụy là Hiên Hoát Tiên Sinh và được truy phong hàm Thiếu bảo.

Mộ phần ông đặt ở cuối dải Chanh Chè trên núi Trà Lĩnh uy nghiêm. Đây là vùng thắng cảnh nhìn thấy núi sông trong thế long chầu hổ phục. Đằng kia có núi Huyền Vũ đột khởi, mạch từ Tốt Khê, Sơn Nga dẫn về giữa trập trùng núi với những đồi thông xanh thẳm, đến Trà Châu thì hình thành bức trướng Lưỡng Rực hóa thành mạch lớn chuyển nhập vào tận ấp quê.

(còn nữa)

 Nguyễn Bảo Nam

BẢN DESKTOP