Giáo dục

Trường chuyên không sai, cách thực hiện chưa đúng

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Xung quanh việc có nên tồn tại mô hình trường chuyên, học chuyên có nhiều quan điểm trái chiều. KH&ĐS sẽ khởi đăng các ý kiến và mờ đầu là quan điểm của đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh Tăng Thị Ngọc Mai.

Đừng bắt con học trường chuyên bằng mọi cách

Cùng với kỳ thi vào lớp 10 THPT, kỳ thi vào các trường chuyên cũng vừa kết thúc. Đây là kỳ thi cũng được coi như một cuộc đua khốc liệt đối với các thí sinh. Xung quanh việc có nên tồn tại trường chuyên và học chuyên có nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của bà về việc này như thế nào?

Tôi cho rằng, việc xây dựng mô hình trường chuyên nhằm thực hiện mục tiêu rất quan trọng, đó là bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Trong môi trường học chuyên, các em có điều kiện để phát huy hơn sở trường của mình của mình. Tất nhiên, vẫn có những học sinh không cần vào trường chuyên cũng vẫn là tài năng, học giỏi  nhưng số đó không nhiều.

Trường chuyên không có gì sai. Cái sai ở đây là cách làm, trong khâu tổ chức thực hiện còn nhiều vấn đề cần nhiều xem xét, chấn chỉnh lại.

Những vấn đề đó là gì, thưa bà?

Thứ nhất, đó là về vấn đề đào tạo. Mục tiêu của giáo dục hiện nay là làm sao giáo dục được những công dân linh hoạt, giỏi về kiến thức nhưng phải có những kỹ năng mềm.

Tuy nhiên, để vào được trường chuyên và trong quá trình học chuyên, rất nhiều em sa đà đi học thêm, hoặc chỉ tập trung học giỏi những môn chuyên. Đây là điều đặt ra đối với công tác quản lý trường chuyên cần phải xem xét lại.

Thứ hai, là từ chính phía phụ huynh. Người Việt thường quan tâm tới chữ danh. Khi con được vào trường chuyên thì đa số cha mẹ đều tự hào.

Mong muốn cho con được vào một môi trường tốt là điều chính đáng. Tuy nhiên, nếu con không thực sự giỏi mà cứ ép con vào học chuyên thì lại làm khổ đứa trẻ và không thể có được một kết quả tốt.

Tức là việc học không phải cứ “cố” là được?

Đúng thế. Cha mẹ không nên áp ý muốn chủ quan của mình lên con, không nên bằng mọi giá cho con vào học trường chuyên. Nếu con không theo kịp được các bạn, thậm chí bị bạn bè coi thường thì còn gây tổn thương cho con.

Thi đua thì cần, nhưng không nên ganh đua

Có ý kiến cho rằng, việc tồn tại trường chuyên chủ yếu là để đào tạo “gà nòi”, đi thi đấu ở các cuộc thi học sinh giỏi, lấy thành tích, vô hình trung lại khiến bệnh thành tích tăng thêm. Nếu bỏ các cuộc thi này đi thì cũng không cần trường chuyên nữa. Ý kiến của bà thế nào?

Đúng là ở một số các cuộc thi học sinh giỏi, đặc biệt là thi học sinh giỏi quốc tế cũng có nhưng dư luận này kia về sự minh bạch và tạo ra áp lực cho các em. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ý kiến như trong câu hỏi bạn nêu là tiêu cực.

Bao giờ xã hội cũng luôn có sự cạnh tranh thì mới phát triển. Ganh đua thì không nên nhưng thi đua lại là cần thiết.

Có điều cách của chúng ta hiện nay đang làm sai. Cần phải quan tâm hơn đến những kỹ năng mềm, bên cạnh việc đào tạo về kiến thức, cần đào tạo những con người toàn diện.

Khi phỏng vấn các phụ huynh có con thi chuyên, đa số câu trả lời tôi nhận được đều là mục đích để cho con đi du học. Như vậy, có lo ngại về sự “chảy máu chất xám” không, thưa bà?

Mô hình trường chuyên cũng đã tồn tại bao nhiêu năm rồi. Theo tôi, cũng cần có một nghiên cứu, đánh giá xem chúng ta đã đào tạo được nguồn nhân lực có tài năng từ trường chuyên cho đất nước như thế nào.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, dù là mục đích vào trường chuyên chỉ để đi du học thì  không phải ai đi du học cũng ở lại nước ngoài. Có những em đi du học rồi lại về.

Ngoài ra, cũng tùy vào mục tiêu cá nhân, không nên ràng buộc cứng nhắc. Hiện nay vẫn nói là đào tạo công dân toàn cầu mà. Có thể đi học ở Việt Nam nhưng lại đi làm ở nước nào đó trong khu vực và ngược lại.

Ví dụ như các nước ASEAN, có 8 nghề chung cho cả khu vực. Có chứng chỉ nghề thì đi làm ở bất cứ ở nước nào đó trong khu vực.

Như vậy điều này còn phụ thuộc vào chinh sách thu hút nhân tài, thưa bà?

Đúng vậy, quan trọng là cơ chế thu hút và sử dụng nhân tài như thế nào. Cho nên, như tôi nói là phải có cuộc điều tra, đánh giá để có hướng sắp tới cho đúng, hợp lý và thực chất, hiệu quả hơn.

Tinh thần của thông tư 22 chưa được hiểu rõ

Vừa qua, việc Trường THPT Amsterdam tuyển học sinh vào lớp 6 với điều kiện bảng điểm toàn điểm 10 những năm cuối cấp, và tình trạng “nở rộ” “hoa điểm 10” khi tổng kết năm học đã đặt ra câu hỏi việc có nên bỏ xét tuyển học bạ. Ý kiến của bà thế nào?

Thực ra, hiện nay chúng ta đang loay hoay việc đánh giá học sinh giữa định tính và định lượng. Và xếp loại học bạ như thế nào có nhiều khuynh hướng chưa ngã ngũ.

Đã có thời kỳ mỗi năm chúng ta thay đổi một mẫu học bạ, mẫu thông tư về đánh giá học sinh tiểu học. Giờ không thay đổi nhiều như vậy, nhưng cách đánh giá cũng chưa nhận được sự đồng thuận 100% trong ngành.

Riêng cá nhân tôi cho rằng, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên chưa quán triệt được hết tinh thần của thông tư 22.

Tinh thần đó là gì, thưa bà?

Tức là đánh giá học sinh không chỉ bằng điểm số mà ở cả quá trình học tập của các em.

Sự thay đổi ở thông tư 22 này có ý nghĩa, tránh trường hợp nếu chỉ đánh giá bằng điểm thì phụ huynh lại phải đua nhau cho con đi học thêm để có được điểm 10. Còn nếu chỉ bằng nhận xét thì phụ huynh lại không kiểm chứng được kết quả học tập của con mình.

Tinh thần của thông tư 22 là sự dung hòa giữa hai điều trên. Và người làm công tác giáo dục phải hiểu rõ vấn đề này, nếu thực hiện đúng quy định thì sẽ không có vấn đề gì. Đồng thời, giải thích cho phụ huynh hiểu điều đó.

Trân trọng cảm ơn bà!

Là một người trong ngành giáo dục, tôi hy vọng trong thời gian thay sách sắp tới sẽ có những đổi mới phù hợp để ngành giáo dục phát triển, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, đặc biệt trong phần đánh giá học sinh, tránh áp lực điểm số.

Mai Loan

BẢN DESKTOP