Giáo dục

Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông: Liên kết đào tạo kiểu... 3 không

  • Tác giả : Hoa Vinh - Nhã Linh
(khoahocdoisong.vn) - Ngày 30/7/2019, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (TCGDNN) ban hành Kết luận thanh tra số 1444/KL-TCGDNN về việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông. Hàng loạt sai phạm của trường được chỉ rõ, nhưng trách nhiệm thuộc về ai kết luận này dường như không đề cập tới?

Đào tạo “nhiều” không…

Mặc dù chưa đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp các ngành nghề Điều dưỡng, Dược, Hộ sinh, nhưng Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông vẫn tổ chức tuyển sinh và đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng – với phương thức 3 không: không chương trình đào tạo, không giảng viên và không cơ sở vật chất.

Không chỉ vậy, về đào tạo liên kết cũng được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp chỉ ra hàng loạt các sai phạm, như tại trường Trung cấp Y tế Hà Giang, Trung cấp Y tế Lai Châu, Trung tâm GDNN – GDTX huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình và Trung cấp Y – Dược Lê Hữu Trác – Hà Nội…

Kết luận thanh tra số 1444/KL-TCGDNN về việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại trường Cao đẳng Y tế Hà Đông.

Kết luận thanh tra số 1444/KL-TCGDNN về việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại trường Cao đẳng Y tế Hà Đông.

Cụ thể, năm 2017, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông ban hành chương trình đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học đối với 4 ngành nghề Dược; Điều dưỡng; Hộ sinh; Xét nghiệm.

Tuy nhiên, mã ngành Xét nghiệm không được TCGDNN cấp quy mô tuyển sinh trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và không có tên ngành/nghề đào tạo trình độ cao đẳng theo quy định.

Ngoài ra, nhà trường không xây dựng nội dung chương trình đào tạo tổng quát trong chương trình đào tạo của 4 ngành, nghề liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng.

Đặc biệt, tại thời điểm Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông quyết định ban hành chương trình đào tạo thì Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội chưa ban hành quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học.

Thêm vào đó, nhà trường không thành lập Hội đồng thẩm định giáo trình đào tạo liên thông trung cấp – cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học 4 ngành trên. Trường cũng không ban hành quyết định phê duyệt và đưa vào sử dụng giáo trình đào tạo các ngành trên để sử dụng giảng dạy.

Mặc dù, chưa đủ điều kiện để tổ chức tuyển sinh, đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học nhưng Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông vẫn “bất chấp” tổ chức liên kết đào tạo các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh và đào tạo ngoài trụ sở chính. Các địa điểm đào tạo này nhà trường không được TCGDNN cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động GDNN để được tuyển sinh và đào tạo ngoài trụ sở chính.

“Bát nháo” tuyển sinh, liên kết đào tạo

Theo báo cáo của trường, từ ngày 01/01/2017 - 30/4/2019, trường đã tổ chức đào tạo cho 8.522 người học.

Qua kiểm tra đối chiếu 2.984 hồ sơ tuyển sinh của người học với quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH cho thấy: 1.588 hồ sơ tuyển sinh của người học không có giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định; 375 người học không có hồ sơ tuyển sinh; 828 hồ sơ tuyển sinh của người học không có bản sao bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương…

Đặc biệt, ngoài số liệu tổ chức tuyển sinh, đào tạo mà trường báo cáo, Đoàn Thanh tra của TCGDNN đã phát hiện Nhà trường tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho 245 người học đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học ngoài trụ sở chính nhưng không báo cáo.

Tại Trường Trung cấp Y tế Hà Giang, năm 2017, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông tuyển sinh và tổ chức đào tạo cho 150 sinh viên 2 ngành Điều dưỡng và Hộ sinh gồm 3 lớp Điều dưỡng 6I, 6K, 6L, 1 lớp Hộ sinh 5C.

Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông nơi diễn ra sai phạm.

Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông nơi diễn ra sai phạm.

Tại hợp đồng liên kết đào tạo số 1606/HĐTN-CĐYT ngày 18/02/2017 giữa Trường Trung cấp Y tế Hà Giang và Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, Trường Trung cấp Y tế Hà Giang có trách nhiệm: Tổ chức thi các học phần theo quy định tại Trường Trung cấp Y tế Hà Giang; phân công giảng viên đủ điều kiện giảng dạy theo đúng kế hoạch và đảm bảo chất lượng; tổ chức giảng dạy; giám sát và cử giảng viên phụ trách lớp… là không đúng trách nhiệm của trường phối hợp liên kết đào tạo. Không những vậy, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông cũng không bố trí nhà giáo cơ hữu của nhà trường để giảng dạy tối thiểu 60% khối lượng đào tạo. Về hồ sơ, sổ sách quản lí đào tạo của 4 lớp đào tạo liên thông trên nhà trường không có.

Tại Trung tâm GDNN – GDTX huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông đã ký hợp đồng thuê phòng học số 166/HĐKT-CDYT để tổ chức đào tạo liên thông trình độ trung cấp lên cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học cho 24 sinh viên ngành Hộ sinh – lớp 5D. Tuy nhiên, lớp Hộ sinh này không đảm bảo thời gian đào tạo. Mặt khác, nhà trường cũng không cung cấp được hồ sơ của giáo viên chứng minh việc đã tổ chức giảng dạy các môn học. Tại thời điểm thanh tra, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông đã ban hành quyết định công nhận tốt nghiệp cho 24 sinh viên.

Còn ở địa điểm đào tạo tại Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông đã căn cứ các quy định của Bộ GD&ĐT để ban hành quyết định thành lập lớp Cao đẳng Điều dưỡng đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng theo hình thức vừa làm vừa học cho 68 sinh viên. Tại thời điểm thanh tra, nhà trường có lịch học nhưng không có hồ sơ chứng minh việc tổ chức đào tạo cho người học gồm kế hoạch đào tạo, sổ lên lớp, sổ đầu bài, kết quả học tập của sinh viên…

Đặc điểm chung của các lớp đào tạo ngoài trụ sở chính của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông đều không xây dựng, ban hành chương trình đào tạo thực hành, kế hoạch đào tạo thực hành và ký hợp đồng nguyên tắc với các cơ sở thực hành trên địa bàn để tổ chức giảng dạy thực hành cho các sinh viên.

Ngoài ra, nhà trường không có hồ sơ, tài liệu chứng minh đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo để tổ chức đào tạo ngành Điều dưỡng, Hộ sinh đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng theo hình thức vừa học vừa làm tại các cơ sở này.

Không chỉ tại các điểm đào tạo ngoài trường, ngay tại trụ sở chính nhà trường  cũng không có đủ thiết bị, dụng cụ đào tạo để tổ chức giảng dạy 02 ngành nghề Điều dưỡng và Hộ sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp theo quy định của Bộ Y tế.

Tổng diện tích đất sử dụng chung của toàn trường không bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu đối với trường cao đẳng thuộc khu vực đô thị theo quy định; diện tích phòng học lý thuyết, phòng học thực hành, thực tập, thí nghiệm dùng cho học tập, giảng dạy không đảm bảo theo quy định.

Sai phạm của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông diễn ra với thời gian dài, số lượng sinh viên nhiều. Vậy, trách nhiệm thuộc tập thể cá nhân nào? Việc xử lý sai phạm phạm ra sao? Đó là nội dung sẽ được Báo KH&ĐS tiếp tục thông tin.

Hoa Vinh - Nhã Linh

BẢN DESKTOP